Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
03:23 PM 25/03/2024
(LĐXH) - Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam chủ lực của Việt Nam. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đi vào thực thi từ 1/8/2020, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị của sản phẩm xuất khẩu để vào thị trường EU.
  1. 1. Thực trạng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU
  • Tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam:
Việt Nam có năng lực chế biến gỗ cao, cũng như năng lực cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào từ gỗ rừng trồng, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và tăng tính bền vững của ngành.  Với hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, chúng ta có 3.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp (năm 2021), trong đó có 155 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD/năm trở lên.
Theo các số liệu thống kê:
Năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019, đứng thứ 6 trong các mặt hàng/nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2021, con số này là 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020.
Nếu tính theo giá trị GDP hiện thực của Việt Nam năm 2020 là 343,63 tỷ USD và năm 2021 là 368,8 tỷ USD, thì tỷ trọng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào tổng thu nhập quốc dân là 3,6% năm 2020 và 4% năm 2021.
Nếu tính riêng 27 nước EU thì kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta vào thị trường này từ 2018 đến 2022 được thể hiện trong hình dưới đây.
 Đơn vị: Triệu USD
 Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU 27 giai đoạn 2018 - 2022
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan
3 doanh nghiệp tiêu biểu có giá trị xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD/năm là: Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét (Waknet) - doanh nghiệp vốn đầu tư của Hoa Kỳ với giá trị xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD; Công ty TNHH Timberland đạt trên 250 triệu USD và Công ty TNHH Hào Hưng đạt trên 230 triệu USD/năm.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu từ 100 triệu USD đến dưới 200 triệu USD/năm như: Cty TNHH Shing Mark Vina ; Cty TNHH Fu Ming Việt Nam ; Cty TNHH một thành viên Hào Hưng Quảng Ngãi ;  Cty TNHH Happy Furniture (Việt Nam) ; Cty TNHH Pou sung Việt Nam ; DN chế xuất Nitori Việt Nam ; Cty TNHH Glory Oceanic Việt Nam ; Cty TNHH Millennium Furniture ; Cty TNHH Thanh Thành Đạt ; Cty TNHH Mototion Việt Nam.
(Nguồn: Số liệu thống kê từ VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends)
Xuất khẩu gỗ Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thị trường đồ gỗ thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam ở mức tốt và vẫn có dấu hiệu tăng đều, tuy nhiên xuất khẩu được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ toàn cầu. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng gỗ sản xuất chưa cao. Mặc dù gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đã thay thế được hơn 70% lượng gỗ nhập khẩu, song chủ yếu là các loại gỗ có đường kính không lớn, năng suất, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, công nghệ cũ, lạc hậu, trình độ lao động tại nhiều cơ sở sản xuất còn yếu cũng đang gây ra những trở ngại lớn, hạn chế năng lực cạnh tranh. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất gia công chi tiết cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ theo mẫu của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp chưa tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, do đó giá bán sản phẩm còn thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam
Trong khối EU, Pháp, Đức và Hà Lan là các thị trường tiêu thụ các mặt hàng G&SPG của Việt Nam lớn nhất. Năm 2019, 3 thị trường này chiếm khoảng 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU.
Cũng trong năm 2019: Tổng số 7 thị trường (Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển) trung bình có kim ngạch khoảng 20-50 triệu USD mỗi năm, chiếm tổng số 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU.
Các thị trường còn lại (17 quốc gia) có kim ngạch xuất khẩu nhỏ, dưới 20 triệu USD mỗi năm.
Như vậy, tác động về thay đổi về thuế là kết quả của Hiệp định EVFTA nếu có chủ yếu xảy ra tại ba thị trường chính là Pháp, Đức và Hà Lan.
Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đi vào thực thi từ 1/8/2020, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị của sản phẩm xuất khẩu để vào thị trường EU.
Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU trong thời gian tới các doanh nghiệp cần chú ý : Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến việc bảo vệ phát triển rừng; có yêu cầu cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp; do vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát về nguồn gốc gỗ; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường; đáp ứng quy tắc xuất xứ; ngoài yếu tố mẫu mã, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập lại hệ thống quản lý chất lượng, quản lý doanh nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu EU.
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu tới EU được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.
Năm 2023, 2024 EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tại thị trường EU. Bên cạnh đó, các quy định mới liên quan đến hàng hóa nhập khẩu cũng tạo thêm trở ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tới thị trường này.
EVFTA bước sang năm thứ 4 có hiệu lực được xác định là động lực thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường EU. Việt Nam là một trong 4 nước có hiệp định thương mại với EU ở khu vực châu Á. Chính sách thương mại của EU đang tập trung vào các quốc gia này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa. Đây cũng là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU.
2. Thực trạng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ EU.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ EU tăng liên tục trong 5 năm qua với tốc độ tăng trưởng trung bình 13,6%/năm. Nguyên nhân tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao, đặc biệt là gỗ nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu. Và với kết quả này dự kiến kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ EU sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tiêu thụ gỗ trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng.   
Đơn vị: triệu USD
Hình 2: Kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ EU trong giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Tổng cục hải quan Việt Nam
Mặt hàng nhập khẩu Chiếm trên 90% tổng kim ngạch NK G&SPG của Việt Nam là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu, 10% còn lại là mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ và ghế ngồi.
Nguồn cung nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào Việt Nam chủ yếu đến từ thị trường khu vực Đông Nam Á, và một số nước thành viên EU nhưng rất hạn chế vì một số nguyên nhân như sau:
Về nguồn cung cấp sản phẩm: Việt Nam là một thị trường gỗ lớn nên đa dạng các sản phẩm gỗ trong nước, ngoài ra Việt Nam còn có một nguồn cung lớn của gỗ và sản phẩm gỗ từ các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Úc, và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Sự phong phú của các nguồn cung này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ EU. 
Về giá cả sản phẩm và chi phí vận chuyển: Gỗ và sản phẩm gỗ từ EU được kiểm định nghiêm ngặt, có chất lượng cao đi kèm với đó là chi phí cao hơn so với nguồn cung từ các quốc gia khác, ngoài ra khoảng cách xa cũng khiến chi phí vận chuyển tăng cao và phát sinh các chi phí liên quan. Điều này có thể khiến cho các doanh nghiệp ở Việt Nam ưu tiên các nguồn cung địa phương hoặc từ các quốc gia có chi phí cạnh tranh hơn.
3. Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định EVFTA.
Cơ hội:
Trong nghiên cứu, các tác giả đã thực hiện khảo sát phỏng vấn 11 doanh nghiệp gỗ Việt Nam, cho thấy cơ hội của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA như sau : 
  • - Ngành gỗ Việt Nam được hưởng những ưu đãi về thuế quan do Hiệp định mang lại giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, kích cầu tiêu dùng 
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu 253 mặt hàng gỗ vào thị trường EU. Trước khi EVFTA có hiệu lực thì 117 mặt hàng (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%, 104 mặt hàng có mức thuế từ 1,7% - 6% trước khi EVFTA được ký kết, sau đó được đưa về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tương ứng với khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ hằng năm của Việt Nam sang EU.
Cũng trong nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu có 2 mặt hàng chịu mức thuế 6% trước khi EVFTA được ký kết, mức thuế này sẽ được đưa về 0% trong vòng 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực; 30 mặt hàng gỗ Việt Nam chịu mức thuế 7-10% trước khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế này cũng sẽ được giảm về mức 0% trong vòng 6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với chiều nhập khẩu, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương với 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. 
Theo thực tế nhóm khảo sát, thì có tới 90% các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng việc giảm thuế trong EVFTA có tác động tích cực, tuy nhiên không tác động quá lớn.
Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ EU, hầu hết cho rằng việc giảm thuế trong Hiệp định EVFTA cũng không có tác động quá lớn và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thực sự quan tâm đến Hiệp định này do mức thuế tuy có được giảm xuống song do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên chi phí đầu vào bù trừ cho nhau, doanh thu không tăng thậm chí còn giảm. 
  • - Tăng khả năng tiếp cận với một thị trường tiêu thụ tiềm năng, đồng thời cũng là một nguồn nhập khẩu gỗ nguyên liệu chất lượng, ít rủi ro 
EU là một thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ tiềm năng và tăng trưởng ổn định. Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU một năm khoảng 80 - 85 tỷ USD. Con số đó đang lớn hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU, như vậy dư địa thị trường này còn rất rộng mở để các doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển.
Không chỉ là một thị trường tiêu thụ tiềm năng, EU còn là một nguồn cung gỗ chất lượng với tiềm năng gỗ lớn. 28 quốc gia trong khối EU có khoảng 500 triệu ha rừng, mỗi năm họ khai thác 400-500 triệu m3 gỗ. Theo cam kết của EVFTA thì Việt Nam sẽ được mua gỗ của các nước nội khối với chất lượng tốt và gỗ của EU cũng rất chất lượng với trình độ quản lý rất cao, chuyên nghiệp và cũng rất chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.
  • - Cơ hội để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa
Sự ưu đãi và thuận lợi trong Hiệp định EVFTA cũng giúp cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất, năng suất lao động bằng cách tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị công nghệ kỹ thuật cao, hiện đại cùng với trình độ quản trị doanh nghiệp của EU để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thách thức:
  • - Khó khăn chung của thị trường EU
Theo khảo sát hầu hết các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU đều cho rằng nhu cầu của thị trường EU nói riêng và của toàn thị trường nói chung hiện tại đang giảm khá đáng kể.
Nguyên nhân lớn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát có xu hướng tăng cùng với các chính sách thắt chặt tín dụng khiến cho nhu cầu sử dụng hàng hóa của thị trường lớn như EU đặc biệt về các mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá cước vận tải cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá thành sản xuất tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, một trong những nguyên nhân khiến việc tăng trưởng xuất khẩu gỗ hạn chế là do hầu hết các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu đều ký hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng tiền USD.
Trước đây 1 Euro quy đổi 1,35- 1,40 USD thì nay chỉ còn 1,1 USD, tức là mất đi gần 20%. Như vậy, nếu giữ nguyên giá bán thì các thương nhân ở EU sẽ lỗ nên họ buộc phải tăng giá bán đồ gỗ lên. Điều này dẫn đến các sản phẩm gỗ khó bán hơn, trong khi nhu cầu đang giảm", ông Liêm cho hay.
  • - Truy xuất nguồn gốc.
Quy định về gỗ của EU (EUTR) là kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Tất cả gỗ nhập khẩu vào EU cần phải đến từ các nguồn hợp pháp có thể kiểm chứng được. Vì vậy buộc các nhà khai thác phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ. Trong khi đó việc thực hiện điều này lại chưa được kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam.
Như vậy dù các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp gỗ hợp pháp nhưng không thể cung cấp giấy tờ bảo vệ tính hợp pháp đó, thì sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường EU.
  • - Công nghệ sản xuất và mẫu mã sản phẩm
Các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên dẫn đến năng suất thấp, cản trở sự phát triển bền vững của ngành. Vì vậy thách thức cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường EU là phải đặc biệt chú trọng đầu tư cho cơ sở sản xuất, nâng cao khả năng phát triển mẫu mã để theo kịp xu hướng của thị trường. 
Nhóm tác giả: Trần Ánh Ngọc, Nguyễn Diệu Thúy, Bùi Thanh Quý, Bùi Thị Thanh Thúy, Đào Thị Hồng Yến.
TAG: xuất khẩu gỗ
Tin khác
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước
Nhìn lại 40 năm thực hiện chính sách xã hội - Định hướng giải pháp góp phần phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh mới
Khuynh hướng nghiên cứu chiến lược quản trị nhân sự và kinh doanh của các công ty đa quốc gia
Khuynh hướng nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về tiếng nói của nhân viên, sự đa dạng và hòa nhập trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng phục hồi của nhân viên trong tương lai
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng