Xuất khẩu cà phê chế biến tăng nhanh
Dự kiến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Đây là nhận định được ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra tại cuộc họp báo ngày 23/11/2018 về "Ngày cà phê Việt Nam lần thứ II năm 2018".
Ông Lương Văn Tự cho biết, Việt Nam phát triển cà phê sau so với thế giới nhưng là quốc gia có tốc độ phát triển lĩnh vực này nhanh nhất. Nếu năm 1991 chỉ chiếm 1% trong tổng mức toàn cầu thì đến năm 2017, tỷ lệ này chiếm 17%.
Cà phê hòa tan đã có mặt trên 70 thị trường
Dự kiến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới (cà phê Robusta lớn nhất thế giới), sau Brazil. Đây cũng là một trong những ngành hàng mang lại giá trị cao nhất cho nông sản với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Theo ông Tự, năm nay, giá cà phê thế giới đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua (cà phê Arabica thấp nhất trong 12 năm, cà phê Robusta thấp nhất trong 5 năm), gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam không giảm là nhờ xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng trưởng rất nhanh, với 2 nhóm sản phẩm chính là cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Chính phủ đã đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước mở được thị trường cà phê rang xay.
Với nhóm sản phẩm cà phê hòa tan, tăng trưởng về lượng xuất khẩu trong niên vụ 2016/2017 tăng gấp 3 lần so với niên vụ 2015/2016, với 1,97 triệu bao. Xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam trong niên vụ 2017/2018 tăng thêm 100.000 bao so với niên vụ trước, đạt 2,1 triệu bao, tương đương với 120 nghìn tấn.
Hiện cà phê hòa tan của Việt Nam đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với tổng công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm.
Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê phối trộn quy mô nhỏ, với tổng công suất khoảng 70 nghìn tấn. Phần lớn sản lượng cà phê hòa tan được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm được thị trường thế giới ưa chuộng và bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc. Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam là rất lớn nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào.
Bên cạnh đó, cà phê hòa tan cũng đang được ưa chuộng tại thị trường nội địa, do dễ sử dụng, tiện lợi, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều thương hiệu cà phê đã được người tiêu dùng biết đến như Vinacafe, Trung Nguyên, Mê Trang, Thắng Lợi, Minh Tiến...
Cà phê chế biến sâu là khâu có giá trị gia tăng cao, có thể tăng từ 70 đến 100 triệu đồng/tấn so với giá bán cà phê nhân chỉ 32-36 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện cà phê chế biến sâu ở nước ta mới chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã định hướng đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan.
Ngày để vinh danh người làm cà phê
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 10/12 hàng năm là "Ngày cà phê Việt Nam", đồng thời, quyết định bổ sung mặt hàng cà phê chất lượng cao vào danh mục các sản phẩm quốc gia. Đây là niềm vinh dự của ngành cà phê Việt Nam. "Hiện nay, lợi nhuận dành cho người nông dân chỉ chiếm 1/20 tổng giá trị cà phê, còn lại rơi vào tay doanh nghiệp chế biến và phân phối. Do đó, các sự kiện là dịp để người nông dân được tiếp cận với cách trồng trọt, chế biến hiện đại, từ đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm, tăng lợi nhuận", ông Tự nhấn mạnh.
Theo Vicofa, năm 2017, sự kiện "Ngày cà phê Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức tại Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng), thu hút hàng triệu lượt khách hàng đến thăm quan, nhiều hợp đồng được ký kết. Tiếp nối thành công, "Ngày cà phê Việt Nam" lần thứ hai năm 2018 với chủ đề "Phát triển cà phê Việt Nam bền vững" sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 11/12/2018 tại khu hành chính thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Ngày cà phê Việt Nam lần thứ hai được tổ chức quy mô, trang trọng dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức cà phê cùng tham dự chương trình này.
Đặc biệt, sự kiện này sẽ có sự tham gia của 33 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế như ngài Chủ tịch Tổ chức Cà phê thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê châu Á, các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, các nước Đông Phi...
Đây sẽ là ngày hội để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê trên cả nước nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành cà phê. Đồng thời, cũng là dịp để tôn vinh những doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất cà phê tiêu biểu.
Ngày hội cà phê năm nay sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức; trong đó, khai mạc hội chợ triển lãm gồm 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê chất lượng đến từ các doanh nghiệp uy tín và vùng trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam...
Theo vneconomy
TAG: