Theo số liệu từ Tổ công tác đặc biệt về vận tải tổng hợp mùa xuân năm 2025 hay còn gọi là Xuân Vận 2025, tính đến ngày 20/1, đã có hơn 1 tỷ lượt người di chuyển liên tỉnh trên khắp Trung Quốc kể từ khi đợt vận tải cao điểm này bắt đầu vào ngày 14/1. Con số ấn tượng này cho thấy nhu cầu về quê ăn Tết Nguyên đán của người dân là vô cùng lớn.
Đáng chú ý, phương tiện di chuyển được người dân lựa chọn nhiều nhất là đường bộ, chiếm gần 80% tổng lưu lượng. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ lên hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là đối với người sử dụng xe điện khi nhu cầu sạc pin tăng đột biến.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó việc thiết lập "Cơ chế điều phối và đảm bảo cho các khu vực dịch vụ trạm sạc đường cao tốc bận rộn trong các ngày lễ lớn" là một điểm nhấn quan trọng. Mục tiêu của cơ chế này là tối đa hóa khả năng đáp ứng nhu cầu sạc điện ngày càng tăng của xe năng lượng mới (xe điện).
Bà Hoa Lôi, Trưởng phòng Quản lý Mạng lưới Đường bộ thuộc Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: "Tại một số khu dịch vụ có lưu lượng lớn, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan để liên tục tối ưu hóa và nâng cao năng lực sạc điện. Chúng tôi áp dụng phương án đảm bảo dịch vụ sạc điện 'mỗi khu một chính sách', trang bị các thiết bị sạc khẩn cấp di động phù hợp với điều kiện địa phương, đồng thời tăng cường hướng dẫn tại chỗ và cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân. Dự kiến trước Tết Nguyên đán, các địa phương sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm nhiều cơ sở sạc điện để phục vụ tốt hơn nhu cầu di chuyển bằng xe điện của người dân".
Trên thực tế, nhiều khu dịch vụ trên các tuyến đường cao tốc quốc gia đã được trang bị các trụ sạc nhanh có công suất từ 120kW trở lên. Thậm chí, các tỉnh có nền kinh tế phát triển như Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông còn xây dựng các trạm siêu sạc với công suất từ 600kW đến 800kW, đáp ứng nhu cầu sạc siêu nhanh trong thời gian ngắn của người dùng.
Một giải pháp sáng tạo khác được triển khai tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Tân Cương là việc đưa vào sử dụng robot sạc di động tại các khu dịch vụ trên đường cao tốc. Giải pháp này giúp chuyển đổi từ mô hình "người tìm trạm" sang "trạm tìm người", giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức.
Ghi nhận thực tế tại khu dịch vụ Thiên Mục Hồ trên tuyến đường cao tốc Trường Thâm đoạn qua tỉnh Giang Tô vào khoảng 14h chiều, phóng viên nhận thấy lưu lượng xe tăng cao đã gây ra tình trạng di chuyển chậm. Tuyến đường cao tốc này là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thượng Hải, Chiết Giang với các thành phố lớn như Nam Kinh, An Huy, Hà Nam. Lượng xe ra vào khu dịch vụ Thiên Mục Hồ đã tăng gấp đôi so với ngày thường, từ 4.500 lên gần 9.000 xe. Đáng chú ý, nhiều xe điện đã ghé vào các trạm sạc và có thể sạc ngay mà không phải chờ đợi lâu.
Một chủ xe điện chia sẻ: "Bình thường các khu dịch vụ khác chỉ có khoảng bốn năm trụ sạc, ở đây tôi thấy có đến mười mấy trụ sạc, tôi chỉ phải đợi khoảng hai phút là có thể bắt đầu sạc rồi".
Ngoài việc tăng cường số lượng trụ sạc, các khu dịch vụ còn áp dụng giải pháp chia sẻ và sử dụng chung tài nguyên để giảm áp lực xếp hàng chờ sạc. Ông Ngô Tranh, Giám đốc khu dịch vụ Thiên Mục Hồ, cho biết: "Chúng tôi đã dán các biển báo nhắc nhở. Trong trường hợp các trụ sạc bị quá tải, chúng tôi khuyến nghị các tài xế di chuyển xuống đường cao tốc và tìm đến các khu vực sạc công cộng cách đây khoảng 3km"
Những nỗ lực của chính phủ và các đơn vị liên quan cho thấy sự quan tâm đến việc đảm bảo một mùa vận tải mùa xuân an toàn, thuận lợi cho người dân, đặc biệt là những người lựa chọn di chuyển bằng xe điện. Việc đầu tư vào hạ tầng sạc điện không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc thúc đẩy phát triển giao thông xanh và bền vững.
Lê Nguyên