
Lâm Đồng: Sắp xếp, sáp nhập đơn vi hành chính cấp xã phải gắn với chiến lược phát triển lâu dài
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Bảo Lộc và 2 huyện Bảo Lâm và Đạ Huoai đã báo cáo tiến độ triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại các địa phương.
Qua đó cho thấy, các nhiệm vụ đang được các địa phương triển khai đảm bảo đúng tiến độ, tuân thủ chủ trương, quy định của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét, định hướng để tháo gỡ.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đã nêu lên những quy định mang tính định lượng và định tính về lịch sử hình thành, văn hóa, kết cấu giao thông, dân số, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên… để các địa phương nghiên cứu, xem xét, áp dụng trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương nêu trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Bùi Thắng nhấn mạnh: “Phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã phải tuân thủ các quy định của Trung ương; đồng thời, phải gắn với tiềm năng, lợi thế để phát triển lâu dài và vì Nhân dân phục vụ…”.
Đồng chí Bùi Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã phải được triển khai tuân thủ các quy định của Trung ương, nhằm tạo động lực, chiến lược cho các địa phương phát triển lâu dài, bền vững sau khi sáp nhập và vì Nhân dân phục vụ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Bùi Thắng nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Thắng cũng đề nghị các địa phương lưu ý về việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, khoa học đảm bảo phù hợp. Mỗi đơn vị hành chính sau khi sáp nhập phải đảm bảo các yếu tố mang tính định lượng và định tính để giải quyết tốt các nhiệm vụ của địa phương, gắn với phục vụ Nhân dân. Từ đó, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để xây dựng phương án đảm bảo tối ưu, hiệu quả và khoa học nhất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng phương án, các địa phương cần quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt dư luận xã hội để tranh thủ sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, các địa phương phải đảm bảo quyền lợi, lợi ích, chế độ chính sách kịp thời cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhu hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập; chú trọng công tác quản lý tài sản công tránh lãng phí, thất thoát.
Vương Linh