Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
10:06 AM 29/11/2023
(LĐXH) - Thời gian qua, hoạt động công chứng đã và đang đóng góp tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội một cách lành mạnh, ổn định và bền vững. Hệ thống pháp luật chính là hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự; trong đó pháp luật về công chứng góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp (DN) cũng như hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh gây tốn thất cho doanh nghiệp.

Xác định tư cách pháp luật chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng. Ảnh minh hoạ.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 do Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Các DN sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng luôn ẩn chứa rủi ro tiềm ẩn, nhưng “không có rủi ro thì không có lợi nhuận”. Để hạn chế các rủi ro, đảm bảo an toàn pháp lý khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch, các DN hiện nay có xu hướng lựa chọn các tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc tự nguyện yêu cầu công chứng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hành nghề có rất nhiều công chứng viên lúng túng khi tiếp nhận yêu cầu công chứng đối với chủ thể DN hoặc thực hiện chưa đúng, đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định dẫn đến giao dịch bị vô hiệu, gây rủi cho DN. Ví dụ điển hình như vụ Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ Công ty CP Địa ốc Alibaba về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền đã bị VKSND TPHCM truy tố vào cuối tháng 3/2022 và TAND TPHCM đưa ra xét xử vào cuối năm 2022. Theo đó, Luyện cùng đồng bọn đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng. Trong vụ việc này, có tình tiết Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, sau đó lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định. Các hợp đồng ủy quyền này đều được CCV chứng nhận. Vậy CCV có phải chịu trách nhiệm đối với các hợp đồng ủy quyền này không? Nếu không có các hợp đồng ủy quyền này thì Nguyễn Thái Luyện và Công ty địa ốc Alibaba có thể lừa đảo nhiều người và gây ra thiệt hại lớn cho xã hội?

Một số vấn đề công chứng viên cần lưu ý khi xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng

Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng (“YCCC”) có sự tham gia của DN, Công chứng viên (“CCV”) cần quan tâm đến vấn đề gì để giao dịch bảo đảm hiệu lực và an toàn pháp lý?

Một là, khi thực hiện công chứng, CCV cần tự đặt ra câu hỏi và tự mình phải tìm được câu trả lời cho vấn đề: Công chứng cho ai? Công chứng cái gì, để làm và thực hiện thế nào? Nếu liên quan đến doanh nghiệp (DN), việc đầu tiên CCV phải hiểu rõ DN là gì và kinh doanh gì? Khi nào chủ thể DN được xác định là pháp nhân và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự?

Theo LDN năm 2020 và Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì khi và chỉ khi DN đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 74 BLDS được công nhận là pháp nhân, là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đối chiếu với các loại hình DN, thì DN được thừa nhận là tổ chức kinh tế nhưng không phải tất cả DN đều có tư cách pháp nhân. Cụ thể LDN năm 2020 và trước đó đều quy định DN tư nhân không có tư cách pháp nhân. Vậy DN không tư cách pháp nhân thì chủ thể tham gia giao dịch là ai và làm cách nào để xác lập, thực hiện giao dịch? CCV cần nắm vững nội dung quy định tại Chương VII Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), từ Điều 188 đến Điều 193 Luật doanh nghiệp năm 2020 (LDN) và Chương IV Pháp nhân, từ Điều 74 đến Điều 96 và khoản 1 Điều 101 BLDS 2015. Ngoài ra, tại Thông tư số 39/2015/TT-NHNN ngày 30/12/2016, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Hai là, cần xác định thẩm quyền – hiệu lực đối với nghị quyết, quyết định, biên bản họp của công ty – DN là pháp nhân khi tham gia HĐGD được yêu cầu công chứng: (i) Loại hình DN - cơ cấu tổ chức quản lý của công ty/DN; (ii) Cơ quan/người có thẩm quyền quyết định cao nhất trong công ty/DN; (iii) Cơ quan/DN/người/có quyền quyết định nội dung Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ; (iv) Tỷ lệ/tổng giá trị tài sản/tổng số phiếu biểu quyết/tổng số thành viên thông qua/chấp thuận nghị quyết, quyết định, biên bản họp đó được thông qua/chấp thuận để có hiệu lực; (v) Tính pháp lý của tài sản và điều kiện giao dịch của tài sản. Cần lưu ý một số điều của LDN năm 2020 để trả lời cho các vấn đề này: Điều 55, 59, 62, 67, 76, 86, 147, 148, 150, 152, 153, 158, 167, 182 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều chỉnh đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng, giao dịch.

Ba là, cách thức thể hiện thông tin về DN trong hợp đồng, giao dịch để bảo đảm tư cách chủ thể khi đó là DNTN, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN. Theo khoản 1 Điều 188 LDN năm 2020, Điều 74 BLDS thì DNTN không đủ điều kiện để được công nhận là pháp nhân. Do đó, CCV phải xác định tình trạng hôn nhân, xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình; và phải có sự tham gia, đồng ý của vợ/chồng trong trường hợp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của DN là tài sản chung của vợ chồng mới bảo đảm tính hợp pháp cho văn bản công chứng, tránh dẫn đến rủi ro pháp lý làm thiệt hại tài sản và ảnh hướng quyền lợi của bên tham gia giao dịch vì văn bản công chứng bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Bốn là, cần nắm rõ các phương pháp, “kênh thông tin” bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của chủ thể DN như:

  • Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
  • Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.
  • Các thông tin trên giấy chứng nhận ĐKDN.
    • Thông tin công bố nội dung ĐKDN được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN.
    • Năm là, khi tiếp nhận và thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch có chủ thể là DN nên làm rõ các vấn đề: (i) Tính xác thực, hợp pháp về các thông tin về.của DN thông qua cách thức xác minh, kiểm tra; đặc biệt là điều kiện tham gia giao dịch theo pháp luật quy định; (ii) Xác định được cơ cấu tổ chức quản lý, người đại diện theo pháp luật, theo ủy quyền và thẩm quyền khi tham gia giao dịch; (iii) Cơ sở xác định thẩm quyền, thể thức thông qua/chấp thuận nghị quyết, quyết định, biên bản họp của DN như: thẩm quyền, thủ tục, hiệu lực đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng cho người đại diện theo pháp luật, người quản lý, người có liên quan của DN; (iv) Con dấu/dấu và việc sử dụng chúng để bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản công chứng.
    • Sáu là, xác định người đại diện của pháp nhân. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Vì pháp nhân chỉ có thể xác lập, thực hiện GDDS thông qua người đại diện. CCV phải xác định rõ ràng, chính xác về tư cách pháp lý, thẩm quyền đại diện, nhân danh và vì lợi ích của DN theo quy định tại khoản 1 Điều 139, Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, BLDS. Ngoài ra, khoản 2 Điều 12 LDN năm 2020 có quy định mới nổi bật so với trước đây, đó là: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho DN theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

      Xây dựng giải pháp hoàn thiện

      Thứ nhất, CCV khi hành nghề là độc lập, tuân thủ hiến pháp, pháp luật, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình đã chứng nhận. Vì vậy, để quyết định việc công chứng hay không CCV phải có nhận thức đúng vấn đề và xem xét giải quyết các góc độ sau: (i) Pháp luật quy định về vấn đề đó thế nào? (ii) Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật ra sao; (iii) Dưới góc độ khoa học pháp lý, cách hiểu và vận dụng pháp luật có xung đột, mâu thuẫn hay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn pháp lý, tranh chấp không? và (iv) Thực tiễn xét xử của Tòa án liên quan đến vấn đề đó như thế nào? Vì “mọi điều vẫn chỉ thật sự sáng tỏ trong các phán quyết của Tòa án. Và đây mới chính là thứ pháp luật tác động thật sự lên cuộc sống”.

      Thứ hai, cần sửa đổi một số quy định về con dấu và sử dụng con dấu, cụ thể như: Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận, phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây: “11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký”. Hoặc tại khoản 2 Điều 43 LDN năm 2020 cho phép DN khi tham gia hợp đồng, giao dịch với các chủ thể khác được sử dụng con dấu theo thỏa thuận giữa các bên trên cơ sở bình đẳng, tự do cam kết, tự nguyện thỏa thuận của hợp đồng, giao dịch với nhau chứ không chỉ là “DN sử dụng dấu trong giao dịch theo quy định của pháp luật”. Qua đó giải phóng DN khỏi sự ám ảnh về con dấu/dấu mà chỉ cần chữ ký của người đại diện có thẩm quyền, có tư cách đại diện là đủ bảo đảm giá trị của giấy tờ, tài liệu, bảo đảm cho hiệu lực pháp luật của hợp đồng, giao dịch.

    • Thứ ba, cần sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong thực tiễn áp dụng, thực thi pháp luật liên quan giữa tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai dưới sự chủ trì của các sở ngành quản lý lĩnh vực theo định kỳ 2 lần/năm để cùng nhau trao đổi, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, dần thống nhất trong nhận thức và hành động để việc áp dụng pháp luật được thông suốt. Thực tế hiện nay đang tồn tại rất nhiều vướng mắc, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân, DN khi xung đột trong nhận thức và áp dụng pháp luật giữa CCV, tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan đăng ký đất đai. Đơn cử như trường hợp DN nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất và nhà ở của cá nhân, đã được Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký biến động, tiếp sau đó DN này thế chấp để vay vốn ngân hàng và cũng đã được cơ quan này chấp thuận đăng ký thế chấp. Tuy nhiên, sau khi xóa thế chấp, DN bán nhà ở, chuyển nhượng QSDĐ đó cho cá nhân khác, được công chứng hợp pháp thì cơ quan đăng ký lại từ chối đăng ký và yêu cầu người đã góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà đất này cho DN, DN phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng xong mới được ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cho người khác.
    • Thứ tư, mỗi CCV phải không ngừng nỗ lực tự học hỏi để không bị bỏ lại phía sau với thói quen, nếp nghĩ cũ không còn phù hợp trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trên quy mô toàn cầu của một “thế giới phẳng”, kỷ nguyên đổi mới sáng tạo và thích ứng linh hoạt, để luôn thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người dân, doanh nghiệp, thực sự góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với vai trò và sự tin tưởng của nhân dân thông qua Nhà nước ủy nhiệm thực hiện cung cấp dịch vụ công.

      Thiết nghĩ, người hành nghề công chứng không chỉ “có tâm, có tầm” mà còn phải có bản lĩnh giữ vững nguyên tắc hành nghề và bám sát chức năng xã hội của CCV để làm cho mọi thỏa thuận, cam kết hợp pháp, chính đáng bằng văn bản trên cơ sở tự do, tự nguyện sau khi được công chứng đều được thực thi mà không cần tới việc kiện tụng, xét xử của Tòa án dù “xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Thật vậy, việc bảo đảm hiệu lực của văn bản công chứng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là với các hợp đồng, giao dịch có sự tham gia của chủ thể doanh nghiệp thường có giá trị rất lớn, rủi ro hậu quả pháp lý từ các giao dịch cao, hơn thế nữa phía sau đó còn là cuộc sống, công ăn việc làm của hàng trăm, hàng vạn người lao động đang làm việc tại DN để sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

      Võ Xuân Cường

      • Tài liệu tham khảo:

        1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII, Nxb Chính trị quốc gia – 2016, tr.69;
        2. CCV.Phạm Thu Hằng, Chương IX – Pháp luật về Doanh nghiệp – Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng (Tập 2), tr.331, Nxb Tư Pháp;
        3. CCV, Ths.Huỳnh Mai Huy, Chương IV – Xác định tư cách pháp lý của chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch - Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng (Tập 3), tr.91, Nxb Tư Pháp;
        4. CCV.Lê Ngọc Tình, Ths.Võ Xuân Cường – Tạp chí nghề Luật số tháng 10.2023 – Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch có sự tham gia của chủ thể là doanh nghiệp.
TAG: tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp hoạt động hành nghề công chứng thực tiễn hành nghề công chứng
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước