An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Phúc: Trên 41.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng
09:16 AM 27/10/2021
Từ nhiều năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách quy định mức trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau. Việc quy định mức trợ giúp được thực hiện dựa trên các nghị định của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cân đối ngân sách cho công tác này.
Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 43.500 người đang được hưởng lợi từ chính sách trợ giúp đối với đối tượng BTXH. Trong đó, có hơn 41.400 người hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; 250 người hưởng trợ giúp trong các cơ sở trợ giúp xã hội; còn lại là hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH được hưởng trợ giúp. Tổng kinh phí chi trả trợ giúp hằng tháng cho các đối tượng BTXH là hơn 25,6 tỷ đồng. Mức trợ giúp mà các đối tượng được hưởng thực hiện theo mức chuẩn bằng 30% mức lương tối thiểu quy định tại Quyết định số 3623, ngày 18/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là một trong những đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng
tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh
Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhờ chính sách hỗ trợ cho đối tượng BTXH được áp dụng theo quy định của tỉnh trong nhiều năm nay, cuộc sống của đối tượng BTXH được đảm bảo.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lương Cầm Vĩnh cho biết: “Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng BTXH gồm người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em lang thang. Trung tâm còn triển khai hoạt động tư vấn, can thiệp, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong cộng đồng.
Với mức chuẩn trợ giúp cho đối tượng BTXH của tỉnh là 447 nghìn đồng/người/tháng, sau khi nhân với hệ số theo quy định, các đối tượng BTXH đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm được hưởng từ hơn 1,7 triệu đồng đến hơn 2,2 triệu đồng/người/tháng (tùy từng đối tượng).
Số tiền này đã góp phần giúp các đối tượng được hưởng các lợi ích thiết thực về chăm sóc dinh dưỡng, y tế - phục hồi chức năng, giáo dục và đào tạo, nâng cao cơ hội hòa nhập với cộng đồng”.
Bày tỏ vui mừng về chính sách nhân văn của tỉnh, bà Nguyễn Thị Đũi, 71 tuổi, đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của tôi rất khó khăn, không có chồng, con, không nơi nương tựa, phải đi ở nhờ nhà người thân. Từ năm 2005, tôi được đón vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, tôi được cung cấp đầy đủ nhu cầu sinh hoạt cá nhân cần thiết. Tôi rất biết ơn Đảng và các cấp chính quyền của tỉnh đã trợ giúp kịp thời những hoàn cảnh kém may mắn như tôi”.
Được biết, so với các tỉnh, thành phố khác, hiện nay, mức trợ cấp cho đối tượng BTXH mà Vĩnh Phúc đang thực hiện là mức chuẩn cao nhất trên cả nước và cao hơn so với quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, trước đây, theo Nghị định 136 của Chính phủ, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố được quyết định mức trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng, kinh phí hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức trợ giúp xã hội khác cao hơn các mức tương ứng tại nghị định trên thì hiện nay, theo quy định của Nghị định số 20 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 thì mức chuẩn trợ giúp xã hội phải do HĐND tỉnh quyết định.
Vì vậy, để phù hợp với nghị định mới của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII sẽ xem xét thông qua mức chuẩn trợ giúp đối với đối tượng BTXH. Khi nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách nhân văn của tỉnh về trợ giúp xã hội với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, việc HĐND tỉnh sớm xem xét, ban hành nghị quyết về nội dung này là rất cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Không chỉ thực hiện mức trợ giúp ở mức cao, việc trợ giúp các đối tượng BTXH của tỉnh cũng thể hiện sự ưu việt, bởi theo quy định, các đối tượng được trợ giúp được mở rộng hơn so với các quy định của Trung ương.
Công tác tuyên truyền các chính sách về trợ giúp xã hội, thực hiện chi trả các chế độ cho đối tượng BTXH cũng được thực hiện kịp thời, công bằng, đúng đối tượng.
Với ý nghĩa thiết thực, việc tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trong thời gian tới sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, tạo niềm tin và sự phấn khởi cho nhân dân./.

PV
TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ