Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
10:50 AM 31/12/2024
(LĐXH)-“Đền ơn đáp nghĩa” là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nghĩa cử tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm xuất phát từ tấm lòng của mỗi người con trên quê hương An Giang giàu truyền thống cách mạng.
Nhìn chung, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và chăm lo người có công ở tỉnh An Giang luôn được các cấp ủy quan tâm thực hiện có hiệu quả, huy động được sự tham gia của các ngành, đoàn thể và xã hội. Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, hỗ trợ người có công nhân dịp tết Nguyên đán, huy động đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp. Qua đó, nhằm huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách cải thiện cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, ở vùng biên giới, dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm lo, chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công và gia đình người có công, tạo điều kiện cho các địa phương vận động đạt kết quả tốt.
Khám bệnh miễn phí cho người có công tỉnh An Giang
Trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận trên 5,514 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đạt 137,8% chỉ tiêu. Từ nguồn kinh phí này, An Giang đã hỗ trợ cất mới 47 nhà tình nghĩa với số tiền gần 2,83 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh huy động được trên 6,5 tỷ đồng, đạt trên 163% kế hoạch. Từ nguồn kinh phí này, An Giang đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 80 căn nhà tình nghĩa (cất mới 22 căn, sửa chữa 58 căn), trợ cấp khó khăn đối với người có công với số tiền gần 2,6 tỷ đồng, phấn đấu không còn hộ người có công nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở. Đồng thời, tỉnh rà soát số liệu người có công cần hỗ trợ cải thiện nhà ở, kết quả đã rà soát 585 hộ (xây mới: 200 hộ; sửa chữa, cải tạo: 385 hộ). Đồng thời, tỉnh đã thực hiện quản lý tốt 15.282 mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nghĩa trang từ trần tỉnh. Các nghĩa trang liệt sĩ luôn được quan tâm tu bổ, nâng cấp ngày càng khang trang, sạch đẹp; các phần mộ liệt sĩ luôn được chăm sóc, bảo quản.
Bên cạnh đó, An Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp chăm lo sức khỏe cho người có công bằng nhiều hình thức. Các cơ quan chức năng đã phối hợp với các xã tổ chức khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người có công. Cùng với đó, ngoài chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công tham gia điều dưỡng tập trung theo quy định chung của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 22/12/2022 quy định mức chi hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với người có công thêm 1 triệu đồng/ người. Hàng năm, Sở LĐTBXH tổ chức đưa khoảng 600 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Đà Nẵng, Ninh Bình, Bình Định, Nha Trang, Côn Đảo, Bình Thuận, Vũng Tàu, Long Đất, Hà Tiên, Đà Lạt và Hà Nội với kinh phí trên 05 tỷ đồng; Chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình trên 2.000 người có công do điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh nên không đi điều dưỡng tập trung được với kinh phí khoảng 03 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức Đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh dự Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc; Viếng Lăng Bác, thăm Thủ đô Hà Nội và gặp gỡ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng.
Từ năm 2021, tỉnh đã thực hiện rà soát mức sống hộ người có công theo chuẩn mới quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ. Kết quả toàn tỉnh đã phát sinh 169 hộ người có công thuộc diện nghèo và 266 hộ thuộc cận nghèo. Theo đó, Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo, giảm nghèo đối với hộ người có công giai đoạn 2022 – 2025, kết quả thực hiện như sau: năm 2022 toàn tỉnh đã giảm 66 hộ nghèo và 85 hộ cận nghèo (đạt trên 150% kế hoạch); năm 2023 toàn tỉnh giảm 81 hộ nghèo và 127 hộ cận nghèo (đạt trên 156% kế hoạch); đến cuối năm 2024 giảm 22 hộ nghèo và 54 hộ cận nghèo, không phát sinh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu năm 2025 toàn tỉnh có 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, đời sống hộ gia đình NCC không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Đặc biệt, đến nay, tất cả 156/156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh đều được các Doanh nghiệp nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời từ 1 đến 2 triệu/tháng. Hầu hết người có công hưởng trợ cấp hằng tháng đều có nhà ở kiên cố và đời sống ổn định. Tuy nhiên, kết quả khảo sát theo văn bản số 2973/VPUBND-KGVX ngày 12/6/2024 của Văn phòng UBND tỉnh đối với Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 vừa qua, An Giang còn 585 hộ người có công khó khăn về nhà ở trong đó nhu cầu cất mới 200 căn, sửa chữa 385 căn.
Nhìn chung, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tác động tích cực, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cấp xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, quản lý công tác chăm sóc người có công. Những hoạt động tích cực của phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình người có công vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Kết quả đạt được trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, đồng thời có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Nhật Hằng
TAG: thực hiện chính sách với người có công
Tin khác
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật