Văn Chấn (Yên Bái): Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm
(LĐXH)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đang phát huy tốt hiệu quả. Sau khi học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề tại địa phương hoặc tại một số doanh nghiệp.
Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn những năm gần đây là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Phần lớn các học viên sau khi học nghề đã phát huy ngành nghề được đào tạo, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo.Lớp học nghề trồng nấm tại xã Phúc Sơn
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm thông qua các buổi họp từ xã, thị trấn đến các thôn, bản.
Thực hiện Quyết định số 1956 của Chính phủ, huyện Văn Chấn đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn, phối hợp với các ngành thành viên và cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm. Từ đó, giúp người lao động nắm bắt cơ hội tìm được việc làm vươn lên thoát nghèo.
Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội… mở các lớp đào tạo nghề cho lao động.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện những năm gần đây cho thấy, mặc dù nguồn lao động rất dồi dào nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện chỉ chiếm trên 20%. Để công tác dạy nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân, huyện đã phê duyệt Đề án ĐTN giai đoạn 2010-2015 đào tạo 34 nghề và giai đoạn 2016-2020 là 47 nghề.
Trong đó, nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc đá…; nghề nông nghiệp gồm: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn, sản xuất rau an toàn... Thời gian đào tạo 1 tháng đối với nghề nông nghiệp và 3 tháng đối với phi nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 7.885 người.
Năm 2018 vừa qua, Phòng LĐTB&XH huyện đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài huyện thực hiện nhiều giải pháp để tuyển sinh học nghề ở các cấp, liên thông, liên kết đào tạo và dạy nghề cho 2.704 người, đạt 106,88% kế hoạch.Lớp học nghề thêu thổ cẩm được tổ chức tại Văn Chấn
Qua kết quả khảo sát hàng năm, số lao động học nghề nông nghiệp có việc làm chiếm trên 95% và nghề phi nông nghiệp chiếm trên 80%, với thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn những năm gần đây là thực hiện đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Mặt khác, người lao động cũng tự tạo việc làm ngay tại gia đình mình dưới nhiều hình thức như đưa kiến thức được học vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Điển hình như nghề trồng nấm được phát triển khá mạnh ở xã Sơn A, Phúc Sơn; nuôi lợn ở Phù Nham, Thanh Lương; trạm khắc đá ở Sơn Thịnh...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Văn Chấn được biết, một số cơ sở tham gia tuyển dụng dạy nghề đang gặp phải một số khó khăn khác như: một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề; trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề; chính sách hỗ trợ dạy nghề còn thấp; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; một số nghề đào tạo chưa đáp ứng được thị trường lao động… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như tuyển sinh hàng năm trên địa bàn.
Xác định công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm sẽ góp phần đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, tăng cường nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Do đó năm 2019, cùng với nhiều giải pháp tích cực, huyện Văn Chấn phấn đấu đào tạo nghề cho 2.560 lao động nông thôn. Trong đó, cao đẳng nghề 150 người, trung cấp nghề 230 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1.490 người... Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề trên toàn huyện đạt hơn 60%./.
Hồng Anh
TAG: