Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Vai trò của các cộng đồng tôn giáo trong công tác bảo trợ xã hội tại Việt Nam
03:50 PM 10/08/2021
(LĐXH) Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Với cộng đồng tôn giáo đa dạng và đông đảo như hiện nay, đây thực sự là một nguồn lực sẵn có của xã hội để thực hiện xã hội hóa công tác xã hội, phù hợp với với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuyến khích tham gia của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội... Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá, xã hội để thực hiện bảo đảm an sinh xã hội... Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế”. Trong các thành phần tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện, các tôn giáo ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thành công việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Theo Cục Bảo trợ Xã hội, số người cần sự trợ giúp xã hội trên cả nước rất lớn, trong đó có hơn 11,7 triệu người cao tuổi, trên 9 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng, 6,4 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…. Tuy Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cũng như đầu tư khoản ngân sách khá lớn, song chưa thể chăm lo cho toàn bộ các đối tượng cần trợ giúp xã hội. Bởi vậy rất cần sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân, các thành phần trong xã hội, trong đó các cộng đồng tôn giáo ở nước ta.
Các tăng ni, Phật tử tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ bà con gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt
Về nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam, tính đến tháng 8/2019, Việt Nam có hơn 20 triệu tín đồ với gần 56.000 chức sắc, gần 146.000 chức việc, hơn 29.000 cơ sở thờ tự tôn giáo, khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thêm vào đó, cơ sở để phát huy mạnh mẽ vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện đó là sự tương đồng giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với giáo luật, giáo lý, phương thức thực hành đạo của các tôn giáo. Các tôn giáo tại Việt Nam đa phần đều có mục đích hướng thiện con người, tuyên truyền các giá trị tốt đẹp về mặt đạo đức và đặc biệt là các hoạt động từ thiện, thiện nguyện trong xã hội. Công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo góp phần quan trọng vào việc thực hiện xã hội hóa công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện; góp phần giảm gánh nặng về chi ngân sách của Nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau như người khuyết tật, người tâm thần, trẻ mồ côi, người bị HIV/AIDS… Bên cạnh đó, còn có các trung tâm bảo trợ xã hội, trợ giúp giáo dục, dạy nghề, mầm non do các cộng đồng công giáo thành lập, mang đầy đủ tính chất của các trung tâm công tác xã hội, như cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Điều này đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Nhà nước.
Có thể kể tới 1.548 cơ sở giáo dục tư thục (nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương) của Công giáo, chủ yếu do các dòng tu đảm nhận. Hiện nay cả nước có 52 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trên tổng số 12 trường dạy nghề của các tôn giáo, do Công giáo đảm nhận (chiếm 91,67%), gồm 1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề và 8 trung tâm dạy nghề. Ngoài ra còn có 144 trạm xá, phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, tu sĩ phụ trách; 56 cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp đăng ký hoạt động trên tổng số 113 cơ sở của các tổ chức tôn giáo (chiếm 49,55%) tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 5.000 người cao tuổi, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Phát Diệm
Bên cạnh cộng đồng Công giáo, cộng đồng Phật giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ trong các hoạt động từ thiện, thiện nguyện và công tác xã hội trong thời gian qua. Theo số liệu của Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Một số các Phật tử có điều kiện còn thành lập các viện dưỡng lão đón nhận những người già neo đơn không nơi nương tựa chăm sóc, nuôi dưỡng. Một số trung tâm dưỡng lão do Giáo hội thành lập được nguồn tài trợ thường xuyên từ các phật tử nên chất lượng hoạt động được đảm bảo. Hiện nay, toàn quốc có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm, Quận 8; Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp; Diệu Pháp, … nuôi dưỡng trên 500 cụ. Ở Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên...
Như vậy, với những đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, một lần nữa có thể khẳng định rằng các tôn giáo luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cụ thể hóa và hoàn hiện các quy định pháp lý theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện. Cụ thể là cụ thể hoá Điều 55 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo về quy định việc cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo vừa phù hợp với pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hoá công tác tác xã hội, nhân đạo, từ thiện. Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Giáo hội của các tôn giáo với chính quyền các cấp trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội của tôn giáo để kịp thời hướng dẫn, thực hiện các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về thành lập hoặc hoàn thiện thủ tục thành lập theo đúng quy định; công tác hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở.
Minh Ngọc

 

TAG:
Tin khác
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025