Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Tuyên Quang thực hiện hiệu quả chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
11:49 AM 16/07/2021
(LĐXH)-Trong thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tuyên Quang, người được ghi nhận về sự đóng góp tích cực không thể không nhắc đến là người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Giàng Seo Mua, Bí thư Chi bộ Vàng On, Đảng bộ xã Trung Minh (Yên Sơn) tuyên truyền pháp luật đến người dân
Trong đó, Bí thư Chi bộ Vàng On, Đảng bộ xã Trung Minh (Yên Sơn) Giàng Seo Mua mới 30 tuổi đã được người Mông ở Vàng On suy tôn là người có uy tín trong đồng bào Mông, Dao. Anh Mua đã phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín, đảng viên đi đầu trong tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Nhờ đó phát triển hiệu quả kinh tế gia đình. Anh tuyên truyền đến người dân trong thôn học và làm theo Bác. Anh Mua bảo: “Mình học theo lời dạy của Bác Hồ “Trăm nghìn lời nói không bằng một việc làm thiết thực”, việc gì muốn người Mông, người Dao làm theo, mình cứ làm trước. Khi làm rồi vận động người dân mới nghe. Như việc trồng rừng hay trồng lúa nước, không vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu... mình và gia đình đều thực hiện trước, từ đó người dân đã làm theo”.
Khéo léo giao tiếp ứng xử, các phong trào, hoạt động do anh Mua phát động như làm đường bê tông nội đồng, lắp đặt cấu kiện kênh mương đúc sẵn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... đều được bà con đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Tuổi chưa cao nhưng mọi lời nói, ý kiến của anh khi tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn đều được mọi người tôn trọng, nghe theo.
Ở thôn Pác Khoang, xã Hồng Thái (huyện Na Hang) có ông Triệu Văn Tá - dân tộc Dao đã nhiệt tình giúp người dân trong thôn phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Ở thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) có ông Nịnh Văn Lìn - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, luôn theo sát người dân để vận động họ tham gia trồng rừng phát triển theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Rồi ông Vương Văn Bình, NCUT tiêu biểu tại thành phố Tuyên Quang đã tự nguyện hiến 50m2 đất vườn và 40m tường rào để phục vụ thi công đường trục liên xã…
Theo số liệu thống kê, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng chung sống, hiện tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số toàn tỉnh.
Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của NCUY; triển khai và thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ "Về tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác lựa chọn, công nhận và thực hiện chính sách đối với NCUT. Trong giai đoạn 2011-2021, tỉnh đã tổ chức 56 hội nghị cung cấp thông tin cho 3.163 lượt NCUT; các sở, ban, ngành tổ chức 1.673 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 167.415 lượt người ở vùng DTTS, trong đó có NCUT. Thực hiện cấp (không thu tiền) đến tận tay NCUT 2 loại báo theo quy định (Báo Tuyên Quang, Báo Dân tộc và Phát triển) cho 11.962 lượt NCUT. Tổ chức 11 chuyến học tập kinh nghiệm tại các địa phương cho 388 NCUT. Tặng quà cho 11.959 lượt NCUT trong các dịp lễ, tết; thăm hỏi, hỗ trợ 405 lượt NCUT khi ốm đau; hỗ trợ 4.396 lượt hộ gia đình NCUT khi gặp khó khăn.
Đồng thời, tỉnh còn quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời NCUT có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc. Đã có 200 lượt NCUT  vinh dự là đại biểu chính thức đi dự Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020; Có 8 cá nhân là NCUT và người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và 2 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc…
Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển KT-XH và xây dựng Khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2016-2020)
Nhờ thực hiện tốt chính sách cho NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số mà tỉnh Tuyên Quang đã khích lệ được người có uy tín tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ địa phương. Bằng tiếng nói của mình, họ không quản ngại khó khăn, gian khổ tuyên truyền, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tích cực tham gia vận động, tuyên truyền đồng bào góp công, góp sức, ủng hộ về vật chất, đất đai, tạo điều kiện cho địa phương từng bước xây dựng nông thôn mới; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển. Họ đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong việc vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, vai trò của NCUT cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Tỉnh Tuyên Quang sẽ chỉ đạo cơ quan làm công tác dân tộc cần tập trung, tham mưu cho địa phương về việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn; Nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho NCUT, người DTTS tiêu biểu về cơ chế, chính sách, thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của NCUT nhằm phát huy tối đa vai trò của NCUT, tiêu biểu trong quá trình phát triển kinh tế vào bảo vệ an ninh chính, trị đồng bào DTTS./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật