Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Tuyên Quang thực hiện đào tạo mới và đào tạo lại cho trên 40.000 người
09:28 AM 01/07/2021
(LĐXH)- Theo dự kiến, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện đào tạo mới và đào tạo lại cho trên 40.000 người; trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 4.350 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 36.150 người…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang vừa có báo cáo đánh giá thực trạng và dự kiến mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ huy động và lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở GDNN, đảm bảo các điều kiện cho mọi hoạt động về GDNN. Các cơ sở GDNN cơ bản cung ứng đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; tổ chức lại 01 cơ sở GDNN (là cơ sở GDNN thuộc Hội nông dân tỉnh).

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang

Tỉnh duy trì và củng cố mạng lưới cơ GDNN hiện có là 11 đơn vị và nâng tổng số cơ sở GDNN lên 12 cơ sở, trong đó 10 cơ sở GDNN công lập và 02 cơ sở GDNN ngoài công lập; duy trì và đảm bảo năng lực đào tạo theo thiết kế đạt 14.500 người học/năm với hơn 50 ngành, nghề gồm cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Theo lộ trình, Tuyên Quang sẽ xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường trọng điểm đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao của tỉnh; đến năm 2025, Tuyên Quang đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ phê duyệt thành trường chất lượng cao.
Đồng thời, củng cố và xây dựng 06 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên của huyện thành các cơ sở trọng tâm giáo dục, đào tạo cộng đồng của huyện. Qua đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo để giải quyết việc làm tại chỗ, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo của tỉnh được đổi mới theo trình độ và cơ cấu về ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện đào tạo mới và đào tạo lại cho trên 40.000 người; trong đó, trình độ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 4.350 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 36.150 người.
Tỉnh phấn đấu có 35% học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng đào tạo trình độ trung cấp nghề tại các cơ sở GDNN hoặc Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên; 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng hoặc trung cấp nghề tại các cơ sở GDNN. Tỷ lệ lao đông qua đào tạo trên địa bàn tỉnh năm 2025 đạt trên 72%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ hơn 30%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và đúng với ngành nghề đào tạo đạt trên 80%.
Được biết, tính đến hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 11 cơ sở GDNN, gồm: 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 06 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập thuộc cấp huyện quản lý, 02 trung tâm GDNN và 01 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN.
Toàn tỉnh có 07 nghề được lựa chọn nghề trọng điểm phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-BLĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó có 01 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và 06 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2020 có 05 nghề nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, thu hút người học số lượng ngày càng lớn, tuyển sinh hàng năm vượt quy mô được cấp phép.
Tổng kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2016 - 2020 là 73,213 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 64,573 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8,64 tỷ đồng). Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất 7 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị 27,84 tỷ đồng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn 38,373 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 48.004 người, gồm: trình độ cao đẳng 459 người, 2.859 trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 44.686 người. Kết quả tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 45,8% năm 2015 lên 60,3% năm 2020; trong đó, tỷ lệ đào tạo qua hệ thống GDNN từ 27,5% năm 2015 lên 39,1% năm 2020…
Có thể thấy rằng, đến nay, mạng lưới GDNN của Tuyên Quang đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ và đại diện ở các lĩnh vực ngành, nghề đào tạo. Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, sáp nhập cơ bản tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động; cơ sở vật chất dần được củng cố, cơ bản đảm bảo cho hoạt động GDNN và phù hợp với năng lực đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo đã được đổi mới về nội dung, các chương trình đào tạo được xây dựng mới theo Chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đảm bảo nguyên tắc từ 70% - 80% thời lượng thực hành, chú trọng kỹ năng và thái độ nghề nghiệp để người học ra trường đáp ứng yêu cầu của đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc tạo lập cho bản thân một công việc ổn định. Đặc biệt, chất lượng người học sau đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thị trường lao động.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Người đủ 14 tuổi được tham gia học nghề
Thị trưởng Khu Tài chính London: BUV là đối tác hàng đầu góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - UK
Cần có sự kiên trì và không bao giờ đầu hàng, chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ
Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Kiên Giang ký kết hợp tác với Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT
Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mở khóa đào tạo về xu hướng làm đẹp dành cho các học viên đến từ Campuchia
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Lễ trao bằng đợt 2 năm 2024 cho 216 học sinh sinh viên
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, Trường Đại học City St George’s - Đại học London và CEFALT ký kết hợp tác chiến lược
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM vào học nghề bình quân mới đạt hơn 26%.
Hơn 400 tân sinh viên một trường nghề dự sự kiện “Kết nối doanh nghiệp - Kết nối tương lai”