Tuyên Quang: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH) Sở Lao động - TBXH tỉnh thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 26.900 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên (đối tượng trực tiếp là 23.709 người; người chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng là 3.19 người), với tổng kinh phí trợ cấp hàng tháng trên 123 tỷ đồng/năm. Trong năm 2020, số đối tượng tăng là 2.547 đối tượng, số đối tượng chết 970 người, kinh phí hỗ trợ mai táng phí 5,24 tỷ đồng. Nhìn chung, việc quản lý, triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện theo quy định về trợ giúp xã hội đều đã được hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...
Triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội năm 2020, Sở Lao động - TBXH thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, tại nạn rủi ro. Kết quả, nhân dịp Tết các tổ chức, cá nhân đã tặng 13.951 suất quà, trị giá trên 7 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; các huyện, thành phố đã hỗ trợ 9.004 hộ, 29.311 nhân khẩu thiếu lương thực dịp Tết Nguyên đán và dịp giáp hạt với tổng số 434.605 kg gạo. Hỗ trợ kịp thời cho 33 hộ gia đình có người bị chết, bị thương nặng kinh phí 162 triệu đồng; hỗ trợ 70 nhà ở bị cháy, bị đổ sập do thiên tai số tiền 850 triệu đồng; hỗ trợ 22.041 đối tượng đồng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, kinh phí 32,9 tỷ.
Trong công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, tỉnh Tuyên Quang có gần 82.000 người cao tuổi, chiếm 10,4% tổng dân số. Tổng số Hội viên Hội người cao tuổi là 76.867 hội viên, chiếm tỷ lệ 93,76%, trong đó hội viên Hội người cao tuổi dưới 60 tuổi là l4.442 hội viên, chiếm 17,62%. Đến nay, toàn tỉnh có 138 Hội cơ sở; 1.739 chi hội, 614 tổ hội, duy trì tốt mọi hoạt động và phong trào của Hội. Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn duy trì thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Mặt trận Tổ quốc các cấp, trích hỗ trợ từ nguồn quỹ vì người nghèo và vận động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, gia đình làm mới và sửa chữa 59 nhà cho hộ nghèo có người cao tuổi, người cao tuổi đơn thân, tàn tật, trị giá 2,36 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 32.062 người khuyết tật, (khuyết tật nặng 9.781 người; khuyết tật đặc biệt nặng 3.116 người); hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng 3.094 người. Các sở, ban, ngành, địa phương tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách đối với người khuyết tật gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Về cơ bản, các chính sách về người khuyết tật đã được tổ chức thực hiện triển khai đầy đủ, đồng bộ và kịp thời đúng quy định, như tổ chức tốt công tác cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh ban đầu, khám chữa bệnh định kỳ, làm tốt công tác khám sáng lọc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tỉnh đã tổ chức tư vấn về việc làm, học nghề cho 10.536 lượt người (trong đó có 18 người khuyết tật học nghề trình độ sơ cấp).
Về cơ sở trợ giúp xã hội: Trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở trợ giúp xã hội là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong năm 2020, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tiếp nhận 04 đối tượng vào quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; bàn giao 02 đối tượng về địa phương... Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 36 lượt đối tượng tại Trung tâm.
Theo đánh giá, các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trợ giúp xã hội luôn được chú trọng và triển khai thực hiện, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình gặp thiên tai, rủi ro theo quy định góp phần giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở phải kiêm nhiều nhiệm vụ đồng thời không trực tiếp chi trả trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng nên việc theo dõi, biến động (tăng, giảm) các đối tượng chưa kịp thời. Đối tượng bảo trợ xã hội phần đông thuộc hộ gia đình nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, mức trợ cấp, trợ giúp xã hội (hàng tháng và đột xuất) còn thấp. Nhiều đối tượng là trẻ em không có bố hoặc mẹ người con lại (bố hoặc mẹ) bỏ rơi, không nuôi dưỡng chăm sóc, ở với ông bà, cô, dì, chú, bác thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thêm nữa việc xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bảo trợ xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất ở các trạm y tế, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu xác định dạng tật và mức độ khuyết tật, một số thành viên trong Hội đồng không có kỹ năng về chuyên môn; việc thẩm định mức độ khuyết tật đôi khi còn chưa chính xác. Đối tượng bị khuyết tật tâm thần đông trong khi tỉnh Tuyên Quang chưa có Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tâm thần đặc biệt nặng. Mặt khác điều kiện, cơ sở vật chất của Trung tâm Công tác xã hội và Qũy Bảo trợ trẻ em của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu quản lý, nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng tâm thần gây nguy hiểm cho cộng đồng./.
Hồng Phượng
TAG: