(LĐXH)- Những năm qua, xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững nên tỉnh Tuyên Quang đã thường xuyên quan tâm tới công tác giải quyết việc làm - dạy nghề, trong đó có việc giới thiệu việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn và những vùng lân cận.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 năm trở lại đây, Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho gần 96.000 lao động, đạt 120% kế hoạch (riêng số lao động được giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 67.884 người), bình quân mỗi năm giải quyết cho hơn 19.000 lao động. Toàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu 25.591 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước (đạt 128% kế hoạch đề ra). Qua đánh giá, tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị đã giảm từ 3,4% năm 2011 xuống còn 2,9%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 84,4% tăng lên 85,15% vào năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 33,1% lên 45,8%, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 19,4% lên 27,%.
Dạy nghề cho lao động ở Tuyên Quang đã gắn với các doanh nghiệp và khu chế xuất để tạo việc làm
Đạt được kết quả trên, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc khuyến khích phát triển sản xuất, thu hút nguồn lực tại chỗ, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Thực hiện chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư đã thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, số lao động được giải quyết việc làm đạt gần 33.000 lao động, cơ cấu lao động ngành công nghiệp - xây dựng thu hút 17.153 lao động (tăng 3,8%). Trong thương mại - du lịch và dịch vụ, thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Tuyên Quang từng bước được khai thông mở rộng, bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân, nhất là các loại hàng thiết yếu, khuyến khích phát triển thương mại ngoài quốc doanh, nhờ đó mà cơ cấu lao động trong lĩnh vực này đã tăng 13,6% so với năm 2010.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đa dạng hóa và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thường xuyên chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, rà soát nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khi tuyển dụng lao động ưu tiên tuyển lao động tại chỗ và người địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã có chủ trưởng chuyển hướng giới thiệu, tuyển lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các khu công nghiệp ở những vùng phụ cận có mức thu nhập ổn định. Chủ trương trên đã được các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và người lao động phấn khởi hưởng ứng và tham gia. Kết quả trong thời gian qua, toàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu được 25.591 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước.
Tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp
Ngoài ra, việc đầu tư và phát triển Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – TBXH và tăng cường thêm các thiết bị phục vụ cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và dạy nghề cũng được Tuyên Quang quan tâm chú trọng. Qua đó nhằm phối hợp với các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể tổ chức hội nghị tư vấn và liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức các phiên giao dịch việc làm phù hợp với tình hình thị trường lao động, gắn nhu cầu tuyển dụng với lựa chọn của người lao động. Kết quả trong 5 năm, toàn tỉnh đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho 32.869 lượt người; riêng năm 2015, Trung tâm Giới thiệu việc làm đã tư vấn cho gần 6.000 lượt người, tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm, tư vấn và thông tin thị trường lao động tại hơn 40 xã, phường trong tỉnh. Nhìn chung, các lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, qua tìm hiểu thông tin thị trường lao động đều đã có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Có thể khẳng định, số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của Tuyên Quang những năm gần đây đã tăng cả đáng kể, chất lượng và thu nhập của người lao động được nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Chí Tâm