Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Tuyên Quang phấn đấu tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%
05:58 AM 20/05/2022
(LĐXH)- Đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của toàn tỉnh lên 72% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện sáp nhập, giải thể một số đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả hoặc có chức năng không còn phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.
Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân bố tại 07 huyện, thành phố gồm: 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập thuộc cấp huyện quản lý, 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 01 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật  - Công nghệ Tuyên Quang

Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Tuyên Quang có 58 bộ chương trình, tương ứng với 58 ngành, nghề đào tạo, với quy mô tuyển sinh đạt 14.500 người học/năm, gồm 03 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Trong mỗi chương trình đào tạo đều hướng tới sự phát triển kỹ năng tay nghề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, trú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Trang thiết bị, dụng cụ đào tạo các nghề trọng điểm hàng năm được quan tâm đầu tư, trong đó tập trung đầu tư các ngành nghề trong điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện được đầu tư thiết bị đào tạo một số ngành nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu phục vụ nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 6/6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện được trang bị phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động đào tạo linh hoạt và cơ động tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về quản lý giáo dục nghề nghiệp với gần 400 nhà giáo cơ hữu tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh có 52 cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: biên chế 43 người, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thuộc biên chế của Nhà nước 09 người; cán bộ có trình độ trên đại học 21 người, trình độ đại học 31 người.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 78%. Trong đó, tỷ lệ sinh viên cao đẳng có việc làm sau đào tạo đạt 95%; học sinh, sinh viên trung cấp có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; học viên sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng có việc làm sau tốt nghiệp đạt tỷ lệ trên 75%...
Để phát triển giáo dục nghề nghiệp nhanh, bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Tuyên Quang đã đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của toàn tỉnh lên 72% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Cụ thể, hàng năm thu hút từ 35 - 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 40%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.
Tỉnh có ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 5 chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; trên 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Phấn đấu 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 01 trường cao đẳng chất lượng cao...
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các Chương trình, dự án khác; rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục, định mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo lộ trình; thực hiện chuyển từ cơ chế cấp kinh phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Tập trung đào tạo theo nhu cầu của người học, thế mạnh và định hướng phát triển của địa phương; khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo.
Cùng với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo; huy động các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, nghệ nhân…tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các bộ chương trình chuyển giao từ nước ngoài; xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động; doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phê duyệt chương trình tại các cơ sở đào tạo; Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo có đủ thiết bị theo danh mục tối thiểu quy định; đối với các nghề trọng điểm các cấp trình độ, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn đầu ra do cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương quy định.
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo nguồn nhân lực của địa phương có sự liên kết với cả nước để xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Kiên Giang ký kết hợp tác với Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT
Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mở khóa đào tạo về xu hướng làm đẹp dành cho các học viên đến từ Campuchia
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Lễ trao bằng đợt 2 năm 2024 cho 216 học sinh sinh viên
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, Trường Đại học City St George’s - Đại học London và CEFALT ký kết hợp tác chiến lược
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM vào học nghề bình quân mới đạt hơn 26%.
Hơn 400 tân sinh viên một trường nghề dự sự kiện “Kết nối doanh nghiệp - Kết nối tương lai”
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tiếp đón và làm việc với đoàn công tác bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức
Huyện Kế Sách: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
Hiện thực hóa việc học Đại học bằng chương trình học bổng 100% tại Đại học Công nghệ Đông Á