Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tuyên Quang phấn đấu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động
04:12 PM 15/08/2017
(LĐXH)- Mục tiêu năm 2017, tỉnh Tuyên Quang sẽ giải quyết việc làm mới cho 19.500 lao động. Đến nay, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm đã đạt trên 77,6% kế hoạch năm, từ đó giúp người lao động có việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập.
Để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động, tỉnh Tuyên Quang đã tạo có môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn đặt cơ sở sản xuất kinh doanh; đồng thời tăng cường công tác liên kết, giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với định hướng nghề nghiệp. Nhờ có cơ chế và hành lang pháp lý thuận lợi, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 15.146 lao động; trong đó, lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 10.762 người, lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy trong nước là 4.136 người và lao động đi làm việc ở nước ngoài là 248 người. Tiêu biểu trong các đơn vị, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động địa phương phải kể đến: Nhà máy Bột giấy và Giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương gần 800 lao động, Công ty Cổ phần chè Tân Trào 600 lao động, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang trên 500 lao động, Nhà máy Đường Tuyên Quang hơn 400 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng...

Lao động Tuyên Quang làm việc tại Nhà máy May xuất khẩu Seshin

Bên cạnh đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được các sở, ban, ngành và đơn vị chức năng phối hợp với doanh nghiệp thường xuyên tổ chức, giúp lao động tiếp cận được thông tin của các nhà tuyển dụng. Riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp uy tín trong nước đến tư vấn, tuyển dụng lao động tại tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hàm Yên cho biết: Thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch giải giải quyết việc làm của tỉnh và sự chỉ đạo của UBND huyện, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động như: tổ chức mở các lớp dạy nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống, các ngành dịch vụ là thế mạnh của địa phương; phối hợp tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, người lao động... Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã có 2.067 lao động được tạo việc làm mới, đạt 57,7% kế hoạch năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, giải quyết việc làm tại địa phương cho 1.592 lao động, tuyển dụng 444 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước, 31 lao động làm việc ở nước ngoài. Cũng trong thời gian này, toàn huyện Hàm Yên đã mở 6 lớp dạy nghề cho 210 học viên và từ nay đến cuối năm dự kiến mở thêm 9 lớp dạy nghề. Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề huyện Hàm Yên còn phối hợp với Công ty Điện tử Sam Sung tổ chức tư vấn, tuyển sinh vào thứ 5 hàng tuần (kết quả đã có hơn 300 lao động đã được tuyển dụng đi làm việc tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên).
Để đảm bảo số lượng học viên tham gia tham gia các lớp học nghề tại địa phương, nhiều huyện trong tỉnh đã cử các cán bộ phụ trách xuống tận thôn, bản nắm bắt nguyện vọng của từng người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, xây dựng kế hoạch và dạy nghề ngay tại địa phương, giúp người dân vừa tham gia học vừa giải quyết được công việc gia đình. Anh Hoàng Văn Thái, thôn Đoàn Kết 1, xã Thành Long (huyện Hàm Yên), tâm sự: Tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm được mở từ đầu tháng 5/2017, anh đã được hướng dẫn những kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại cho đàn gia súc, gia cầm. Vì học tại xã, nên vừa học mình vừa có thời gian áp dụng luôn vào công việc chăn nuôi của gia đình, đem lại hiệu quả rõ rệt. 
Phụ nữ xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên) học nghề dệt thổ cẩm
Còn chị Bàn Thị Lan, dân tộc Dao ở thôn Bản Phú, xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình), chia sẻ: Mình đang theo học lớp dạy nghề may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, giáo viên về tận nơi để giảng dạy ngay tại thôn nên có rất đông bà con đăng ký theo học. Sau khi học nghề, mình dự định sẽ đi làm thêm để rèn luyện tay nghề, đến khi thành thạo có thể mở một cửa hàng nhỏ tại nhà để nhận cắt may đơn giản và sửa chữa quần áo cho người dân trong xã hoặc có thể xin đi làm tại các nhà máy dệt may ở các khu công nghiệp. 
Nhằm tiếp tục tạo việc làm bền vững cho người lao động, từ nay đến cuối năm, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Chương trình lao động, việc làm và dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 gắn với việc xây dựng kế hoạch sử dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển từ nông, lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ, đặc biệt là các xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020..

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm