Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Tuyên Quang: Triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
11:32 AM 28/09/2022
(LĐXH) - Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn…, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Theo báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85% (chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025). Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ 37,32%; 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ nghèo.
Đồi chè của Tổ hợp tác Hương chè Vĩnh Tân (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang).
Những năm qua, việc triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, giúp đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông và mạng lưới quốc gia đến trung tâm xã; 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%.
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 13.751 lượt người, đạt 64% kế hoạch. Trong đó: việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 7.839 người, đạt 54% kế hoạch; làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 3.388 người, đạt 52,1% KH; 131 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 27,9% kế hoạch.
Nguyên nhân vẫn còn nhiều hộ nghèo là do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị chia cắt do thiên tai, nhiều hộ nghèo cận nghèo còn thiếu đất, thiếu vốn phương tiện sản xuất; số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, doanh thu nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc để chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và tiêu thụ sản phẩm do người dân sản xuất ra để nâng cao thu nhập; một số hộ nghèo do hoàn cảnh có người trong gia đình ốm đau thường xuyên, tàn tật, già cả, có người mắc tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, một số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có ý thức nỗ lực, cố gắng vươn lên, trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề. Một số hộ nghèo còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt, việc quy hoạch đất sản xuất và các loại cây trồng, vật nuôi chưa thật sự phù hợp, thích ứng với thị trường tiêu thụ; công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành, phân công phân cấp chưa phù hợp.
Nuôi trâu và chăn nuôi gia súc là một trong những hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo trên địa bàn tỉnh
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo chung giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên. Ngoài ra, đến năm 2023 sẽ không còn người có công thuộc chính sách là hộ nghèo.
Từ đó, tỉnh đã đưa ra những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, cụ thể là gắn kết chặt chẽ giữa cho vay tín dụng ưu đãi với hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề, quản trị vốn vay. Phát huy vai trò của các tổ chức nhận ủy thác, cán bộ khuyến nông trong hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vay vốn với mức vay tối đa để phát triển sản xuất. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19.310 hộ đầu năm 2022 xuống còn 8.571 hộ vào cuối năm 2025 đối với số hộ nghèo thiếu vôn và giảm từ 9.992 hộ đầu năm 2022 xuống còn 3.527 hộ vào cuối năm 2025 đối với hộ nghèo do thiếu phương tiện sản xuất
Nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình thiếu đất sản xuất, lao động phải chuyển đổi ngành nghề, lao động thuộc diện di dân tái định cư, nhằm tạo cơ hội cho người lao động có cơ hội tìm việc làm, đi làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp trong tỉnh, trong nước, góp phần nâng cao thu nhập và hạn chế phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo. Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với phương án, dự án vay vốn khả thi, sử dụng nhiều lao động và cho vay đối với đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, lao động là người dân tộc thiểu số. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025./.

Nguyễn Hoàng

TAG:
Tin khác
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước
Nhìn lại 40 năm thực hiện chính sách xã hội - Định hướng giải pháp góp phần phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh mới
Khuynh hướng nghiên cứu chiến lược quản trị nhân sự và kinh doanh của các công ty đa quốc gia
Khuynh hướng nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về tiếng nói của nhân viên, sự đa dạng và hòa nhập trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng phục hồi của nhân viên trong tương lai
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn