Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động
02:41 PM 11/05/2017
LĐXH - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, ngày 11/5, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực tổ chức Hội thảo về Thế giới việc làm và thông tin thị trường lao động trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại diện đến từ nền kinh tế thành viên APEC, các Viện nghiên cứu, đại học, các tổ chức quốc tế và phát triển…
Đại biểu chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện nước chủ nhà Việt Nam, TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, sự bùng nổ của mạng internet, tự động hóa, số hóa, phát triển dựa trên tri thức và trí tuệ nhân tạo. Triển vọng kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi to lớn trong những thập kỷ tới do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung, Việt Nam nói riêng, cần phải nỗ lực với các chính sách phúc lợi, đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo

Với chủ đề của năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đã thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á-Thái Bình Dương về xây dựng một cộng đồng hoà bình, ổn định, hội nhập, thịnh vượng trong khu vực. Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên APEC hy vọng có thể thúc đẩy được tăng trưởng, hội nhập kinh tế vốn đang là nhu cầu cấp thiết của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhận thức những cơ hội, thách thức của kỷ nguyên số trên toàn cầu, Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực đang nỗ lực xây dựng một dự thảo văn kiện về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác khu vực trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, tập trung vào các hành động ưu tiên trong ba lĩnh vực gồm phát triển hệ thống thị trường lao động; kỹ năng giáo dục, dạy nghề; an sinh xã hội.

Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2025, lực lượng lao động tăng bình quân 1,28%/năm, quy mô lao động tăng từ 55,5 triệu người (2016) lên 62 triệu người (2025). Chuyển dịch cơ cấu lao động được xác định vẫn là hướng chính để tăng năng suất lao động, song đến nay cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tính đến năm 2016, Việt Nam chỉ có hơn 11,21 triệu/54,36 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 20,6%). Theo một nghiên cứu do ILO công bố mới đây, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc. Nếu không kịp thời trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, nhiều công nhân sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì robot. Nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia, trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

Trước thực tế này, cũng như các nền kinh tế thành viên, Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phát huy tiềm lực khoa học công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC

Trong phần thảo luận, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC cũng tái khẳng định, quá trình đổi mới công nghệ của một quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: năng lực của các doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ và khả năng của quốc gia trong việc tận dụng các hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài. Để đạt được điều này, ngoài chính sách công nghiệp, chính sách công nghệ thì đầu tư vào vốn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng, bởi hiệu ứng lan tỏa FDI được thực hiện chủ yếu thông qua liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, qua đào tạo lao động. Tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hoá; các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương, sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Sự gia tăng việc làm phi chính thức, dễ bị tổn thương sẽ là những thách thức khi các nước trong khu vực phải đấu tranh để đảm bảo việc làm bền vững.

Với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, tập trung vào các hành động ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hệ thống thị trường lao động, kỹ năng, giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội, đại diện các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tế và thảo luận sâu hơn về thách thức và lợi ích mà kỷ nguyên số mang tới trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cũng như các hàm ý của xu hướng này đối với thị trường lao động và các yêu cầu của các bên liên quan như chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Hội thảo sẽ góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như là đầu vào cho Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ được tổ chức vào ngày 15/5/2017.

Doanh - Ngọc

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật