Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới
(LĐXH)- Ngày 17/11, hơn 30 cơ quan báo chí, truyền hình tại địa bàn thành phố và 200 đại biểu các cơ quan Sở ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan đã cùng cơ quan Liên Hợp Quốc thảo luận và kêu gọi sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.
Sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới”, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM phối hợp với Sở Thông tin truyền thông Thành phố, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, nhằm thảo luận và đẩy mạnh vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.
Đây là môt hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, và được hỗ trợ từ Chính phủ Úc.Các đại biểu tham gia sự kiện
Số liệu thống kê cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.
Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.
Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của rất nhiều người từ hàng đời nay, thì cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong đó các cơ quan truyền thông, báo chí và bản thân các nhà báo, phóng viên”.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Mark Tattersall - Phó Đại Sứ, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chương trình chung của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025 và nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong giải quyết vấn đề này.
Chia sẻ kinh nghiệm của Úc, ông cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật tình hình bạo lực với phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ người bị bạo lực với nguyên tắc không đổ lỗi, tôn trọng và không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nạn nhân. Truyền thông cần sự nhạy cảm để tránh lầm tưởng bạo lực chỉ là những hành vi bộc phát mà đây là hành động có tính thường xuyên và hệ thống, để thủ phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chiến dịch Ruy băng Trắng là phong trào toàn cầu từ năm 1991 với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.
Chiến dịch Ruy băng Trắng hợp tác với nhiều tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới đối với phụ nữ thông qua các chương trình giáo dục phòng ngừa ban đầu, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực ở các trường học; khuyến khích các tổ chức tham gia các chứng chỉ Ruy băng Trắng ở nơi làm việc, tổ chức các chương trình tập huấn huy động nam giới tích cực, chiến dịch nâng cao nhận thức và vận động chính trị nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.
Chiến dịch Ruy băng Trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền ngày 10 tháng 12. Bữa sáng ruy băng trắng với nam giới là sáng kiến của tổ chức White Ribbon Australia nhằm kêu gọi sự tham gia tích cực của nam giới với tư cách là những người đồng hành trong phòng trào chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ./.
TAG: