Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường Đại học Lao động - Xã hội: Khai giảng năm học 2022 - 2023 và Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
04:18 PM 18/11/2022
(LĐXH) - Ngày 18/11/2022, tại Hà Nội, Trường Đại học Lao động - Xã hội trang trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022 - 2023 cho hơn 2400 tân học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đại học khóa 18 tại trụ sở chính của trường.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Tấn Dũng, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Phạm Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; NGƯT.TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ; đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy và phường Trung Hòa; lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn, các thầy cô giáo cùng đại diện hơn 2.400 tân học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đại học khóa 18 tại trụ sở chính của trường.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu và tặng hoa chúc mừng Trường Đại học Lao động - Xã hội nhân dịp khai giảng năm học mới
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng - NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng đã ôn lại lịch sử của Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò của Trường Đại học Lao động - Xã hội luôn phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo của ngành và đất nước. Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 diễn ra phức tạp và kéo dài, thầy và trò nhà trường đã vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn trường hiện có 661cán bộ, giảng viên, trong đó có 436 giảng viên (gồm 4 phó giáo sư, 113 tiến sĩ, 317 thạc sĩ). Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được đầu tư, hoàn thiện.
NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai mạc và đánh trống Khai giảng năm học mới
Công tác đào tạo, tuyển sinh tiếp tục được chú trọng, qua đó tuyển sinh mới gần 3.500 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; tổng quy mô đào tạo trên 16.500 người tại cả trụ sở chính ở Hà Nội và Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh. Năm học vừa qua có trên 4.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp. Khảo sát của nhà trường cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là gần 90%, trong đó có trên 62% sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai đồng bộ, có hiệu quả hướng vào các nghiên cứu phục vụ giảng dạy và học tập. Năm học 2021 - 2022, nhà trường đã rà soát, chỉnh sửa 12 chương trình đào tạo trình độ đại học; 5 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, mở mới 3 ngành đào tạo trình độ đại học. Toàn trường đã triển khai thực hiện 6 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh; trên 80 đề tài cấp trường; biên soạn 36 giáo trình, tài liệu học tập. Cán bộ, giảng viên của trường đã viết được trên 187 bài đăng tạp chí (trong đó có 24 bài quốc tế) và trên 400 bài đăng kỷ yếu hội thảo (trong đó có 18 bài quốc tế); đồng thời thực hiện được hơn 85.000 giờ nghiên cứu khoa học, đạt gần 2,5 lần định mức.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ Khai giảng và Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Công tác quản lý sinh viên, học viên thực hiện bảo đảm quy định của pháp luật, có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội và ma túy trong sinh viên. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho sinh viên như học bổng, học phí, trợ cấp xã hội, bảo hiểm, tín dụng. Cấp học bổng khuyến khích học tập cho 1.129 sinh viên với số tiền gần 9 tỷ đồng. Miễn, giảm học phí cho 157 lượt sinh viên trị giá gần 1,3 tỷ đồng…
Công tác quản lý và đảm bảo chất lượng được tăng cường. Năm học vừa qua, trường đã tổ chức xây dựng và nghiệm thu trên 200 bộ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, trường đã hoàn thành đánh giá ngoài 5 chương trình đào tạo và được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục các ngành: Quản trị nhân lực, Kế toán, Công tác xã hội, Bảo hiểm, Quản trị kinh doanh; phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo: Tâm lý học; Kinh tế; Luật Kinh tế.
Đại diện Ngân hàng BIDV trao học bổng cho các em SV
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã biểu dương và chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức, sinh viên của Trường Đại học Lao động - Xã hội đã đóng góp tích cực vào những kết quả đạt được trong năm học 2021 - 2022 nói riêng và suốt quá trình hình thành, phát triển của nhà trường nói chung.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, bám sát các yêu cầu nhiệm vụ, tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị trường cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo, đặc biệt là tập trung hơn nữa trong công tác đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo; quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, làm cho toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động và sinh viên toàn trường tiếp tục nhận thức rõ bổn phận và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của nhà trường, từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Hai là, tiếp tục đổi mới toàn diện, thực chất mô hình quản trị đại học hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận với trình độ của các trường đại học có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận và thực tế vững vàng. Rèn luyện cho học viên khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng tự học vươn lên… Mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý nhà trường cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững chữ “Đạo”, dồi dào chữ “Tâm”; truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, khơi dậy tình yêu, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và thực sự là tấm gương sáng để sinh viên và học viên noi theo.
Bốn là, tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể nhà trường trong sạch, vững mạnh; xây dựng nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng căn dặn các tân sinh viên luôn suy nghĩ và tự xây dựng thời gian biểu trong học tập và sinh hoạt để phấn đấu vươn lên, khẳng định chính mình vì tương lai của chính các em và cũng vì tương lai của đất nước.
Các em SV đại diện cho hơn 2400 tân học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đại học khóa 18 tại trụ sở chính của trường tham dự Lễ Khai giảng
Đức Dương
TAG:
Tin khác
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc