Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long: Linh hoạt trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
11:30 AM 08/12/2021
(LĐXH) - Để hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, thuận lợi cho người lao động trên địa bàn tỉnh và tích cực kết nối việc làm giúp người lao động mất việc sớm tìm được việc làm mới, góp phần ổn định đời sống người lao động.
Những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cho lao động thất nghiệp bằng nhiều hình thức giúp cho người sử dụng lao động và người lao động để giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình từ đó tích cực tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động bị mất việc làm, Trung tâm đã thực hiện quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhanh gọn, thuận lợi đồng thời áp dụng 5K để phòng chống dịch.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm đã tiếp nhận 9.288 người đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành 9.186 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, đạt 102% so với kế hoạch năm, với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn gần 166 tỷ đồng.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long.
Qua số liệu thống kê, trong quí 2 và quí 3 của năm 2021, tỷ lệ người thất nghiệp nộp hồ sơ nhiều nhất, chiếm 63,1% tổng số người nộp hồ sơ của năm 2021; tỷ lệ thất nghiệp tập trung nhiều ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 40,7% và thấp nhất là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 0,02%. Trong đó, số người thất nghiệp là nữ dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 36% và thấp nhất là lao động nam từ 35 tuổi trở lên, với tỷ lệ 16,7%. Xét về trình độ của người lao động thất nghiệp: có 87% lao động có trình độ phổ thông; 5% trung cấp; 5% đại học và trên đại học; 2% cao đẳng và 01% chứng chỉ nghề. Có thể thấy, lao động phổ thông thất nghiệp nhiều hơn so với lao động có trình độ chứng chỉ nghề, trung cấp trở lên.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện các chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp, trong năm đã hỗ trợ học nghề cho 510 lao động thất nghiệp, với số tiền hơn 2.913 triệu đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.569 người.
Không chỉ thực hiện tốt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm; tư vấn xuất khẩu lao động; hỗ trợ học nghề… để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm mới thông qua việc kết nối 645 tổ chức doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch việc làm, với nhu cầu tuyển dụng 34.709 lượt người. Riêng trong tháng 11/2021, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 3.395 lượt người (tư vấn qua điện thoại, zalo, web,…); giới thiệu việc làm cho 349 người; Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ mở phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương; Kết quả có 05 doanh nghiệp tham gia với 1.333 nhu cầu tuyển dụng.
Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến lao động tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động trong việc triển khai, thực hiện chính sách. Sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ viên chức, người lao động phát huy năng lực, sở trường; đồng lòng cùng nỗ lực phấn đấu, sáng tạo trong công tác. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức, người lao động của đơn vị. Tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động thông qua việc kết nối doanh nghiệp với người lao động; Phối hợp với hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm để điều phối, cung ứng lao động, đảm bảo sự hài hòa, không để thiếu hụt lao động.
Tập trung làm tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động. Tăng tỷ lệ hỗ trợ người lao động thất nghiệp tham gia học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp cho các ngành, các cấp và doanh nghiệp, người lao động hiểu rõ hơn, tạo sự đồng thuận và chấp hành tốt qui định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt công tác chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp và việc kiểm tra tình trạng việc làm của người lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh./.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động
Huyện Ea H’Leo: Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động