Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Triển khai tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” năm 2023
05:33 PM 18/05/2023
(LĐXH) – Ngày 18/5/2023, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Childfund tổ chức Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Tham dự hội nghị có ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em; Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em; Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin; Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Bà Lê Thùy Dương, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Ông Đỗ Dương Hiển, Tổ chức ChildFund chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Ông Ngô Tuấn Anh – CEO công ty An ninh mạng thông minh SCS, Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam VNISA.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Luật Trẻ em quy định Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm. Với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em" năm 2023.,Tháng hành động là chiến dịch để truyền thông, vận động xã hội, cộng đồng cùng chung tay tham gia hành động bảo vệ trẻ em nhằm hướng tới tạo dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện, an toàn để bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác giải quyết các vấn đề về trẻ em”.
Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trong 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm 43.68%; 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 25.75%, 748 ca về trẻ em bị bóc lột, chiếm 7,79%…
Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng vẫn có diễn biến phức tạp. Hậu quả của những hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên không gian mạng đã tác động đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.
Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn, các đại biểu đã cùng trao đổi, tiếp nhận thông tin từ các báo cáo viên của Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Tổ chức ChildFund… chia sẻ thông tin về chính sách, thực tiễn, cũng như các giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Qua đó, đưa ra các giải pháp để chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước thực trạng này, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Thực tế thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Thực tế cho thấy, không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội”.
Để bảo vệ trẻ em, phòng tránh các mối đe dọa từ không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh:"Cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng".
Tháng hàng động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” trong đó, tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như: Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc hội nghi
Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu không chỉ nắm được các kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em mà còn là dịp để mỗi cá nhân nhìn nhận lại bản thân trong cách nuôi dưỡng, giáo dục các con. Từ đó, có những thay đổi về phương pháp dạy, chăm sóc con trẻ, quan tâm đến các con về cả học tập lẫn đời sống tinh thần để phòng tránh các nguy cơ trẻ bị xâm hại, cũng như nắm bắt những thay đổi của các con để có những hành động hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc tạo dựng môi trường sống lành mạnh giúp trẻ em được phát triển toàn diện./.

Nguyễn Hoàng

TAG: Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em 2023 phòng tránh các mối đe dọa từ không gian mạng
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em