Chúng tôi đến thăm xưởng dạy nghề cho NKT Đông Triều những ngày trung tuần tháng 2. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở vật chất nhà xưởng, chị Nguyễn Hải Yến, Chủ nhiệm CLB NKT thị xã, cho biết: Trên địa bàn thị xã hiện có khoảng trên 1.700 NKT đang sinh sống. Đa phần trong số họ đều cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là không có công ăn việc làm ổn định để nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập CLB NKT thị xã từ năm 2014, chị ấp ủ ý tưởng sáng lập xưởng dạy nghề cho NKT để tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng của mình, có nghề nghiệp kiếm thêm thu nhập.
Sau thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu, chị cùng các thành viên trong CLB đã đi đến quyết định xây dựng xưởng dạy nghề cho NKT trên địa bàn với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá. Khởi công xây dựng từ tháng 10-2016, đến nay xưởng đã gần đi vào hoàn thiện, dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 3 sắp tới. Với diện tích 300m2, xưởng được chia làm 3 khu: Điều hành, tiếp khách và dạy nghề. Đi vào hoạt động, xưởng sẽ tổ chức dạy một số nghề, như: Thêu thùa, điêu khắc than đá, làm hoa pha lê...Theo đó, xưởng không chỉ là nơi dạy nghề cho NKT mà còn là cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách tham quan và cung ứng hàng lưu niệm cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm du lịch.
Sau khi xưởng đi vào hoạt động, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ thuê những người lành nghề trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh trực tiếp giảng dạy cho NKT. Tuy nhiên, trước đó CLB cũng đã lựa chọn một số thành viên nhanh nhẹn, hoạt bát, có đủ sức khoẻ, năng khiếu, đào tạo họ thành những học viên giỏi làm nòng cốt trong việc truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm cho những NKT tham gia học nghề. Ngay sau khi khởi công xây dựng nhà xưởng, đội ngũ học viên cốt cán này đã bước vào học nghề thủ công mỹ nghệ đầu tiên, đó là làm hoa pha lê. Chỉ sau hơn 2 tháng học tập, hầu hết các học viên đều chắc tay nghề và tự làm ra sản phẩm bán ra thị trường. Trong dịp Tết Nguyên đán 2017, các học viên làm được 20 chậu hoa pha lê các loại: Hoa đào, mai, lan, cẩm tú cầu... Với giá dao động từ 150.000 đồng trở lên, các chậu hoa đã mang về cho các học viên nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng.
Từng tốt nghiệp loại giỏi, Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là Trường Đại học Hạ Long), nhưng do bị dị tật ở chân nên chị Nguyễn Thị Chi, khu Gia Mô, phường Kim Sơn vẫn không xin được việc làm. Chị từng làm rất nhiều nghề để nuôi sống bản thân nhưng tất cả những nghề Chi làm đều không ổn định, lâu dài. Chính vì vậy, ngay khi CLB mở lớp dạy nghề cho NKT, chị đã đăng ký tham gia và được bầu làm lớp trưởng lớp học nghề cốt cán. Chi chia sẻ: “Trước đây, mình đã từng nghĩ sẽ không làm được việc gì kiếm ra tiền để nuôi gia đình. Tuy nhiên, khi tham gia lớp học nghề làm hoa đá pha lê, tự tay mình làm và bán được sản phẩm, mình thấy rất vui và thấy có hy vọng để nuôi sống bản thân. Hơn nữa, công việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như thế này khá nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện sức khoẻ và sở trường của từng NKT”.
Còn anh Phạm Văn Nguyên, khu Vĩnh Lâm, phường Mạo Khê, tâm sự: “Do không được lành lặn như người bình thường, tôi rất tự ti, ngại khi phải tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào xưởng dạy nghề của CLB, tôi đã cởi mở hơn với người khác, tự tin khi giao tiếp ngoài xã hội. Không chỉ tạo điều kiện cho NKT có công việc ổn định, dạy nghề cho NKT còn giúp những người như tôi xoá đi mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng”.
Chị Nguyễn Hải Yến cho biết: Mục tiêu lớn nhất của xưởng dạy nghề cho NKT TX Đông Triều hướng đến chính là giúp NKT có nghề nghiệp ổn định, kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Chính vì vậy, để xưởng phát huy hiệu quả kinh tế, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá về xưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng; liên hệ với các công ty du lịch dẫn khách đến xưởng tham quan; tìm những đơn vị phù hợp với sản phẩm của xưởng để giới thiệu, chào bán sản phẩm. Tin rằng, việc xưởng dạy nghề đi vào hoạt động sẽ tạo được động lực cho NKT vượt lên chính mình, mạnh dạn tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hoàng Anh