Ý kiến trái chiều từ người dân
Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với 16 quận, huyện để khảo sát và nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè tại 123 tuyến phố, với mức giá dự kiến từ 20.000 đến 40.000 đồng/m²/tháng. Quận Hoàn Kiếm có số lượng vỉa hè đạt chuẩn cho thuê cao nhất, với 40 tuyến phố đang được xem xét, tiếp theo là quận Tây Hồ với 16 tuyến phố và quận Hai Bà Trưng với 12 tuyến phố.
Phí sử dụng vỉa hè dự kiến áp dụng cho mục đích trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đề xuất này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số người cho rằng đây là cơ hội để tận dụng hiệu quả tài nguyên đô thị, trong khi không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ mất kiểm soát và ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Bà Đào Phương Dung (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc quản lý vỉa hè hiện nay chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lấn chiếm tự phát. Bà nhận định, nếu sớm triển khai cho thuê vỉa hè, Hà Nội có thể tận dụng hiệu quả tài nguyên này. “Đây không chỉ là giải pháp khả thi mà còn giúp thành phố tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý,” bà Dung nhấn mạnh.
Chị Mai Ly, một người bán hàng rong trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), bày tỏ sự đồng tình: “Nếu có thể thuê vỉa hè, việc buôn bán của chúng tôi sẽ ổn định hơn, không phải chạy chỗ vì công an, khách hàng cũng sẽ quen hơn".
Ngược lại, anh Bùi Thanh Hải (quận Hoàn Kiếm) lo ngại về mức giá thuê. Là hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán trà đá, anh cho rằng phí 40.000 đồng/m² có thể trở thành gánh nặng. “Tôi chỉ bán vài cốc nước mỗi tối, giá thuê này thực sự khó gánh", anh chia sẻ.
Chuyên gia cảnh báo bất cập
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc cho thuê vỉa hè có thể gây ảnh hưởng đến mặt tiền các hộ dân, làm gián đoạn kinh doanh và sinh hoạt. Cơ quan chức năng cần cân nhắc tính hợp lý của đề án, đặc biệt với mức giá thuê chỉ từ 20.000 – 40.000 đồng/m²/tháng. Một mức giá quá thấp không chỉ thiếu bền vững mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thẳng thắn: “Chi phí giải phóng mặt bằng tại Hà Nội có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/m². Với mức giá cho thuê chỉ vài chục nghìn, phải mất hàng trăm năm mới thu hồi vốn. Đây là cách quản lý không hiệu quả và có nguy cơ dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách.” Ông cũng cảnh báo: “Giá thuê thấp có thể biến vỉa hè thành chợ trời, gây hỗn loạn và phá vỡ chức năng giao thông.”
Đồng quan điểm, TS. KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất: “Giá thuê cần được phân theo khu vực, chức năng từng tuyến phố và điều chỉnh phù hợp với thị trường. Sau thời gian thí điểm, cần rút kinh nghiệm để xây dựng mức giá hợp lý hơn".
TS. KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam
Theo ông Quảng, việc định giá thuê vỉa hè không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là vấn đề quản lý đô thị bền vững, đòi hỏi sự thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.
Đề án lần này nhấn mạnh, chỉ cho thuê vỉa hè tại những nơi đủ điều kiện. Cụ thể, hè phố cho phép kinh doanh phải có vỉa hè rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm); bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép.
Các tiêu chí tiếp theo là đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp quận, huyện cấp phép về thời gian và mặt hàng kinh doanh.
Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành.
Tuy nhiên, khái niệm đủ điều kiện vẫn còn khá mơ hồ. Để giải quyết vấn đề này cần có sự hỗ trợ từ các công cụ giám sát hiện đại và thiết kế đô thị đồng bộ để đảm bảo trật tự và hiệu quả cho quản lý. Nếu chỉ sử dụng biện pháp truyền thống như phát động chiến dịch, ra quân dùng khẩu hiệu nhưng thiếu giải pháp mới, kết quả sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
Thí điểm cho thuê vỉa hè TP HCM: Sau 5 tháng chỉ thu được 2 tỷ đồng Trước đó, ngày 9/5, TP HCM đã bắt đầu thí điểm cho thuê vỉa hè trên 11 tuyến đường thuộc quận 1 để kinh doanh, mua bán. Mức phí dao động từ 20.000 - 350.000 đồng/m²/tháng đối với hoạt động trông giữ xe, và từ 20.000 - 100.000 đồng/m²/tháng cho các hoạt động khác, tùy thuộc vào giá đất bình quân tại 5 khu vực. Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội thành phố diễn ra chiều 19/9, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, sau hơn 5 tháng thực hiện, quá trình thí điểm diễn ra chậm tại nhiều địa phương. Cụ thể, chỉ có 7 quận, huyện ban hành danh mục theo thẩm quyền, trong khi 15 quận, huyện còn chậm trễ. 5 quận, huyện đã triển khai thu phí, bao gồm quận 1, 3, 4, 10, và 12, với tổng số tiền thu được khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, quận 1 thu 780 triệu đồng, quận 12 thu 140 triệu đồng. |
Xuân Đoàn