Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
TPHCM: Tập trung đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2030
03:38 PM 16/08/2019
(LĐXH) – Ngày 15/8/2019, tại TPHCM, Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức Hội thảo “ Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chí trị, Bí Thư Thành ủy, TPHCM và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM tham dự và Chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Kê hoạch và Đấu tư; đại diện các Sở, ban ngành, lãnh đạo các Trường Đại học trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đơn vị doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM nhấn mạnh: TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm của cả nước và khu vực về nhiều mặt, trong đó có GD&ĐT. Trên địa bàn thành phố  hiện nay có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 362 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục của Thành phố còn có tổng cộng 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên. Trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực GD&ĐT. Đây là nguồn lực lớn mà TP đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, việc phát huy sức mạnh của ngành giáo dục đào tạo nói chung và của giáo dục đại học nói riêng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Thành phố. Do đó, việc tổ chức Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020 – 2030” là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định,  Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá nhằm đưa TP không ngừng phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, Thành phố cũng  đang tập trung triển khai các bước tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo môi trường sống thân thiện, nâng cao hiệu quả làm việc.  Chính vì vậy,  việc định hướng trong GD&ĐT nói chung và trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Báo cáo  về thực trang đào tạo nhân lực quốc tế tại TPHCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM cho biết: Hiện nay chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên của thành phố cao hàng đầu trong cả nước, đặc biệt là chuẩn tiếng Anh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là 95%. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên nhìn chung năng động, có phương pháp giảng dạy hiện đại, hầu hết đều tốt nghiệp nước ngoài và giảng viên là người nước ngoài.

Tuy nhiên, do học phí các chương trình quốc tế cao hơn chương trình bình thường, chưa có hệ thống chính sách và luật pháp đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là trường công lập, nguồn lực để phục vụ cho việc đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế còn thiếu và yếu, số lượng chương trình liên kết được triển khai chưa tương xứng tiềm lực phát triển của các trường đại học, thiếu cơ chế thu hút và phát huy năng lực những người được đào tạo tại nước ngoài, thiếu định hướng cụ thể cho yêu cầu quốc tế hóa giáo dục đại học nên hầu hết các trường đại học ở Việt Nam phải tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong liên kết đào tạo, xây dựng chiến lược phát triển khiến hiệu quả còn hạn chế.  

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Còn theo PGS.TS. Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, để phát triển nền kinh tế tri thức, cần xác định nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy. Để sử dụng nhân lực phục vụ phát triển, thành phố cần có cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị đào tạo, đa dạng hóa nguồn ngân sách, nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ là yếu tố then chốt trong chương trình đào tạo, đặc biệt là trong chương trình đạo tạo bậc phổ thông. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng trung tâm cải tiến phương pháp và công nghệ mới để đào tạo thích ứng với phát triển xã hội, đồng thời hình thành mô hình đại học trên nền tảng công nghệ mới để hộ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các trường Đại học trong nước và quốc tế đã có nhiều bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao như: TS Hà Thúc Viễn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức chia sẽ về công tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế - thực tiễn và kiến nghị của Trường Đại học Việt Đức; ông Alan Malcom, Tổng Giám đốc Khu vực Châu Á, Tập đoàn Pearson chia sẻ một số kinh nghiệm về thực hiện các chương trình giáo duc chuẩn quốc tế; PGS.TS Ngô Văn Thuyên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCm cũng nêu ra một số kinh nghiệm về đào tạo đại học theo chuẩn Đông Nam Á – kinh nghiệm triển khai đào tạo theo đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn AUN và PGS.TS Nguyễn Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ về kinh nghiệm về liên kết quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và quốc tế hóa chương trình đào tạo…

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, hội thảo này là bước khởi đầu hết sức ý nghĩa đối với TPHCM, giúp TPHCM hoàn thành sứ mạng giữ vững đầu tàu kinh tế bằng chất lượng nhân lực trình độ quốc tế. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề làm sao thành phố có nền giáo dục đạt trình độ quốc tế. “Mục đích tổ chức hội thảo là để lắng nghe và học hỏi. Sau cuộc hội thảo này, Thành phố sẽ hình thành một chương trình để chuẩn bị đưa vào trong nhiệm kỳ tới của đại hội nhằm phát triển nhân lực trình độ quốc tế tập trung vào một số lĩnh vực chọn lọc” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng về năng suất lao động TPHCM gấp gần ba lần cả nước. Dân số TPHCM chỉ chiếm 10% cả nước nhưng đóng góp gần 25% GDP toàn quốc. Đất nước đòi hỏi TPHCM phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, phải giữ năng suất lao động gấp 3 lần hoặc tăng hơn trong tương lai. Đáp ứng đòi hỏi này là không dễ dàng. Vậy muốn đi đầu trong kinh tế thì đòi hỏi tiền đề là đi đầu về chất lượng nhân lực. “Không đi đầu về chất lượng nhân lực, TPHCM không thể đi đầu về kinh tế”. Trong thời gian qua, cứ 5 năm thì TPHCM tăng thêm 1 triệu dân. Trong số này có nửa triệu lao động. Đây là vốn rất quý với thành phố, là nguồn lực quan trọng nhất của TPHCM, nhất là lao động sáng tạo, muốn đạt được điều đó ngành giáo dục phải đạt được trình độ quốc tế.  

Cùng với đó, để đạt hiệu quả, năng suất lao động cao, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cần có chương trình đồng bộ để tập thể hành động. Song, từng trường hợp, từng cá nhân phải hành động để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế (trên các lĩnh vực chọn lọc) trong 10 - 25 năm tới.

Hoàng Cảnh

 

 

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ