Tham dự Hội nghị có ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ -TBXH), ông Lâm Văn Quản – Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM, Sở Lao động -TBXH TP.HCM, Sở giáo dục & Đào tạo TP.HCM, và hơn 100 đại biểu đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm GDNN, Trung tâm DVVL, Tồ chức du học tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết: Hoạt động Hợp tác quốc tế về đào tạo, tạo liên kết, tư vấn và tổ chức du học, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là hoạt động chiến lược và cần thiết góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM và nhu cầu của các thành viên Hội nhằm đa dạng, hiệu quả với nhiều hoạt động phong phú trên cơ sở phối hợp tốt với hoạt động quản lý nhà nước của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM về giáo dục nghề nghiệp và các ban ngành hữu quan.
Trên cơ sở đó, Hội GDNN TPHCM tổ chức Hội nghị “ Kết nối hợp tác quốc tế trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp” là nhằm mục đích trao đổi những thành tựu, kinh nghiệm trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hợp tác quốc tế. Đồng thời, thảo luận nhu cầu và yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho nhu cầu hợp tác quốc tế; đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các chương trình hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng tìm cơ hội xúc tiến triển khai các đề án, hợp đồng hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực về đào tạo, đào tạo ngoại ngữ, các chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEIC, CEFR ( Cambridge), TOPIK và hợp tác trong lĩnh vực du học, thực tập, tu nghiệp ở nước ngoài cho sinh viên như: Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo quốc tế chương trình trung học, trung cấp, cao đẳng nghề, đại học và sau đại học; Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và khảo thí ngoại ngữ, các chứng chỉ quốc tế tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật. Việc xúc tiến các hợp tác cụ thể sẽ được triển khai tổ chức thực hiện, đảm bảo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về giáo dục nghề nghiệp và hợp tác, liên kết của các tổ chức trong nước và tổ chức có yếu tố nước ngoài đúng quy định luật pháp cho phép.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã đánh giá cao việc Hội GDNN TPHCM có nhiều cách làm linh hoạt, sang kiến và đổi mới trong việc kết nối, hợp tác quốc tế trong hệ thống GDNN, góp phần tạo cơ hội cho các cơ sở GDNN có cơ hội tìm kiếm đối tác để hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, liên kết đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Hội GDNN cũng là kênh để tuyền tải các ý kiến, đề xuất, kiến nghị và phản biện của các cơ sở GDNN đến cơ quan quản lý nhà nước về GDNN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, liên kết cũng như các chính sách liên quan đến hợp tác quốc tế trong GDNN trong thời gian tới. Ngoài ra, Hội GDNN còn quy tụ được nhiều nhà khoa học đã và đang công tác tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm tham gia chia sẻ kinh nghiệm cũng như gắn kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hội còn kết nối được nhiều đơn vị trực tiếp ký kết hợp tác đào tạo tại Hội nghị lần này. Theo ông Đào Trọng Độ, việc thành lập Ban Hợp tác Quốc tế thuộc Hội GDNN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của Hội trong thời gian tới.
Ông Đào Trọng Độ cũng chia sẻ một số hoạt động liên quan đến công tác Hợp tác quốc tế trong GDNN: Theo ông Đỗ trong luật GDNN đã có quy định cụ thể về việc đào tạo, liên kết, chuyên giao khoa học hợp tác quốc tế về GDNN. Do đó, các cơ sở các đơn vị cần căn cứ để xem xét hợp tác một cách phù hợp, đúng quy định pháp luật cho phép. Hợp tác quốc tế là một trong những điều kiện để các cơ sở giáo dục có cơ hội tiếp cận được các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới. Vì vậy, các trường khi hợp tác đào tạo cần xem kỹ về các chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, bằng cấp chứng chỉ được các quốc gia công nhận như thế nào từ đó hợp tác đào hiệu quả và bài bản hơn.
Theo ông Đỗ, trong thời gian tới trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cập nhật mới trong và ngoài nước được Tổng cục GDNN tập trung đổi mới và hội nhập kịp thời, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận và nêu ra các vấn đề liên quan đến việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ trong lĩnh vực GDNN cũng như tính pháp lý của các chứng chỉ, bằng cấp khi các bên hợp tác được các nước công nhận. Đồng thời, đây là cơ sở để người học sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kết thúc Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giữa Hội Giáo dục Nghề nghiệp với 09 trường cao đẳng, trung cấp, tổ chức giáo dục ( Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn), Công ty giấc mơ Việt Hàn, Đại diện Khảo thí Tiếng Hàn Quốc KLat, Trường TC Du lịch Saigontourist, Trường CĐ bách khoa Sài Gòn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TPHCM, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn SPTC – Công ty TNHH Đào tạo SPTC, Trường Cao đẳng Văn hoá Gia Định, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành và Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn) về Thỏa thuận " Xúc tiến triển khai các đề án và hợp đồng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực về đào tạo đào tạo ngoại ngữ, các chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEIC, CEFR (Cambridge), TOPIK và hợp tác trong lĩnh vực du học, thực tập, tu nghiệp ở nước ngoài cho sinh viên ".
Vương Linh