Mặc dù doanh nghiệp cần tuyển dụng lượng lớn nhân lực nhưng do đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự từ cuối năm trước và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực, nên ít có biến động về nhân lực chất lượng cao.
Đây sẽ là cơ hội tốt cho sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, nhu cầu nhân lực sau Tết Quý Mão (quý I năm 2023) trên địa bàn Thành phố của các đơn vị, doanh nghiệp vào khoảng 79.000 – 87.000 chỗ làm việc. Mặc dù doanh nghiệp cần tuyển dụng lượng lớn nhân lực nhưng do đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự từ cuối năm trước và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực, nên ít có biến động về nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, sẽ có biến động về nhân lực ở lao động phổ thông, tập trung ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản, nhựa – cao su là những ngành thường xuyên biến động nhân sự sau Tết.
Được biết, trước Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có 1.981 lượt doanh nghiệp đang cầu tuyển dụng 28.529 chỗ làm việc; tập trung ở một số ngành kinh tế sau: Công nghiệp chế biến, chế tạo cần 8.211 chỗ làm việc; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 5.218 chỗ làm việc; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 2.268 chỗ làm việc; hoạt động kinh doanh bất động sản cần 2.137 chỗ làm việc; thông tin và truyền thông cần 1.874 chỗ làm việc; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần 1.863 chỗ làm việc,....
Doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang đang có nhu cầu tuyển dụng từ 79.000 – 87.000 chỗ làm việc
Đặc biệt, trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM các doanh nghiệp cũng đang cần tuyển mới 5.954 chỗ làm việc, chiếm 20,87% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành cơ khí cần 1.526 chỗ làm việc; điện tử – công nghệ thông tin cần 1.909 chỗ làm việc chế biến tinh lương thực thực phẩm cần 1.381 chỗ làm việc; hóa dược – cao su cần 1.138 chỗ làm việc.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực ở lao động đã qua đào tạo cần đến 15.198 chỗ việc làm, chiếm 53,27% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở một số nhóm nghề: kinh doanh thương mại; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; quản lý điều hành; công nghệ thông tin; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; marketing; kế toán – kiểm toán; nhân sự; …Trong đó, nhu cầu tuyển dụng đối với trình độ đại học trở lên cần 4.894 chỗ việc làm chiếm 17,15%; cao đẳng cần 5.097 chỗ việc làm; trung cấp cần 3.832 chỗ việc làm; sơ cấp cần 1.375 chỗ việc làm.
Để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà tuyển dụng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kết nối với các cơ quan, đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, có kế hoạch trả lương, thưởng phù hợp, có thỏa thuận làm việc rõ ràng để thu hút và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng, nguyên nhân chủ yếu do vị trí công việc ứng tuyển, thời gian làm việc chưa đáp ứng nhu cầu; tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi không hấp dẫn, điều kiện và môi trường làm việc, chưa thu hút được người lao động,...
Trương Đăng