Đời sống người nghèo được nâng lên
Giai đoạn 3, TP thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo với hơn 93.000 hộ vượt chuẩn nghèo: năm 2011 là 34.800 hộ, năm 2012 là 29.968 hộ, năm 2013 là 28.300 hộ, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,69% đầu năm 2011, xuống còn 0,57% vào cuối năm 2013. TP kết thúc giai đoạn 3 “Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” (chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm) sớm 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đề ra. Chuyển sang giai đoạn mới 2014-2015 TP có chuẩn nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và hộ cận nghèo có thu nhập trên 16 - 21 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2014, có khoảng 55.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,8% tổng hộ dân TP) và 59.000 hộ cận nghèo (3%). Cuối năm 2015, số hộ nghèo còn khoảng 30.000 hộ (1,53%) và 35.000 hộ cận nghèo (1,78%).
Đặc biệt, TPHCM đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2014-2015, kết hợp cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát huy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của đại bộ phận người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Song song đó, TP đã huy động các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ giảm nghèo, Quỹ quốc gia việc làm, Quỹ 156 (Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP). Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo được TP quan tâm. Giai đoạn 2014-2015, số lao động nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 1.500 - 2.000 người/năm; giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 12.000 - 15.000 lao động thuộc hộ nghèo/năm. Nhìn chung, trong nhiều năm qua, TPHCM đã nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo tăng hộ khá, giúp đời sống của đông đảo người nghèo được nâng lên.
Tuy nhiên, do chuẩn nghèo TP tăng nên một số địa phương gặp khó khăn hơn trong công tác vận động chăm lo, đỡ đầu cho những hộ nghèo đặc biệt vượt chuẩn nghèo của giai đoạn mới. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chương trình nên chưa chí thú làm ăn hoặc không muốn ra khỏi chương trình. Những hộ cận nghèo tuy đã vượt chuẩn (có thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm) nhưng cần được một số chính sách tiếp tục hỗ trợ như cho vay vốn, hỗ trợ việc làm… không để tái nghèo.
Một số địa phương chưa tập trung quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình; nhiều nơi cán bộ làm công tác giảm nghèo bị thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, chỉ tiêu giảm nghèo tại địa phương; công tác tuyên truyền, giải thích cập nhật các chính sách giảm nghèo của giai đoạn mới cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số phường xã chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác kiểm tra giám sát hoạt động giảm nghèo, nhất là công tác quản lý sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo tại một số phường xã chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ.
“Giảm nghèo bền vững” song song với phương pháp đa chiều
Đo lường nghèo đa chiều cần được áp dụng để dựng nên một bức tranh đầy đủ và toàn diện hơn về thực trạng nghèo ở nước ta. Phương pháp đo lường nghèo đa chiều gồm 5 chiều cụ thể: giáo dục, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin. Từ năm 2016-2020 là giai đoạn TPHCM chuyển tiếp của chương trình giảm nghèo bền vững, sử dụng song song giữa phương pháp đo lường nghèo theo thu nhập và theo đa chiều với 5 chiều xã hội. Tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được áp dụng cho người dân có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú KT3 tại TPHCM. Theo đó, 5 chiều xã hội bao gồm 11 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các chiều xã hội cơ bản: 1- Trình độ giáo dục của người lớn; 2- Tình trạng đi học của trẻ em; 3- Trình độ nghề; 4- Tiếp cận các dịch vụ y tế; 5- Bảo hiểm y tế; 6- Việc làm; 7- Bảo hiểm xã hội; 8- Nhà ở; 9- Nước sinh hoạt; 10- Sử dụng dịch vụ viễn thông; 11- Tiếp cận thông tin.
Cách tính điểm các chỉ số như sau: trừ chỉ số thứ 10 và 11 về sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin được cho 5 điểm/chỉ số; 9 chỉ số còn lại, mỗi chỉ số được cho 10 điểm. Như vậy, tổng số điểm thiếu hụt là 100 điểm. Điểm thiếu hụt của hộ gia đình sẽ bằng điểm thiếu hụt của tất cả các chỉ số cộng lại. Với cách tính mới này, hộ nghèo là những hộ có một trong hai tiêu chí hoặc cùng lúc có cả hai tiêu chí: thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có tổng số điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo từ 40 điểm trở lên; còn hộ cận nghèo là hộ có cả hai tiêu chí gồm thu nhập bình quân đầu người từ trên 21 - 28 triệu đồng/người/năm và tổng số điểm thiếu hụt 5 chiều nghèo là dưới 40 điểm (từ 0 - 35 điểm).
Tại TPHCM, vào đầu tháng 12-2015, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua. TPHCM hiện đang dẫn đầu cả nước trong công tác thí điểm sử dụng nghèo đa chiều để giải quyết nghèo đói và các vấn đề khác liên quan đến dịch vụ, nhất là dịch vụ cho những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương. TP đang xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể để giải quyết những thiếu hụt về thu nhập và 5 chiều xã hội, tăng cường sự tham gia và vai trò của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp của TP; tổ chức lồng ghép mục tiêu giảm nghèo đa chiều vào các kế hoạch, chương trình và ngân sách thường xuyên.
Nâng cao năng lực nội sinh
Mục tiêu của TP là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo - y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và giảm nghèo bền vững vì một TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để làm được điều đó, TP tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi cơ chế, chính sách “giảm nghèo bền vững” theo hướng hiệu quả, thiết thực và định hướng rõ ràng, theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và có lộ trình thích hợp.
TP chú trọng nâng cao nhận thức trong các sở, ngành và quận - huyện, phường - xã, tổ tự quản đến các hộ dân nghèo, hộ cận nghèo về việc tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều để rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện và triển khai, nhân rộng ra các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2016-2020, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, xây dựng các chính sách giảm nghèo và phương pháp đa chiều, trong đó các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chính sách hỗ trợ “giảm nghèo bền vững” cần được thể chế hóa đảm bảo sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng.
Trong thời gian tới, rất cần chú trọng thiết kế các chính sách nâng cao năng lực nội sinh, kèm theo các biện pháp tuyên truyền, phổ biến để người nghèo tiếp cận được với chính sách, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt./.
Theo Sài Gòn Giải phóng