Tối ưu nguồn lực để vượt qua thách thức kinh tế năm 2023
(LĐXH)- Ngày 11/1/2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức".
Diễn đàn “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ ngành và lãnh đạo một số địa phương, đông đảo các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế và lãnh đạo các Tập đoàn doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, TS Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy nhấn mạnh, năm 2022 đã khép lại, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu về cơ bản chúng ta đã hoàn thành và vượt mức hoàn thành.
Song, năm 2023 được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý IV/2022.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Khái niệm “cơn gió ngược” mới đây phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua. Đó không phải là cách ví von mà nó tương ứng từ những vấn đề rủi ro liên quan đến các yếu tố địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, cũng đều cần sự dự báo, lường trước và chuẩn bị phương án thích ứng phù hợp.
Dó đó, Diễn đàn là sự tiếp nối hành trình 15 năm kiến tạo và phát triển thành công Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam - VESF (2008 - 2023) sẽ tổng hợp những nhận định, phân tích và đánh giá đa chiều các yếu tố thuận lợi - khó khăn, cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp; hiến kế và khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây cũng là nơi được kỳ vọng sẽ trở thành kênh thông tin trao đổi, đối thoại và hiến kế về các vấn đề chính sách gắn với thực tiễn hoạt động của các ngành kinh tế trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam.
TS Chử Văn Lâm - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy
Bên cạnh phiên khai mạc, tham luận, thảo luận, Diễn đàn VESF 2023 diễn ra phiên đặc biệt – phiên tranh biện giữa các chuyên gia kinh tế với hai cặp tranh biện về chủ đề nhận định các chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển, hóa giải thành công của Việt Nam cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở tham khảo các nhận định và phân tích của các chuyên gia, phiên thảo luận với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức” được đại diện các bộ, ngành cùng lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi cụ thể, ứng với thực tiễn hiện trạng hoạt động của từng lĩnh vực, thị trường và khu vực doanh nghiệp.
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận "Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức"
Tại phiên thảo luận, đại diện cho Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Ngân hàng OCB đã thảo luận các nhóm vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm như các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi tăng trưởng được Quốc hội thông qua thực hiện trong 2 năm (2022-2023) với các hoạt động và tiến độ cụ thể, đặc biệt các chính sách về miễn, giảm, giãn, hoãn các thuê phí; những yêu cầu đặt ra đối với chính sách tiền tệ, giải pháp “giải cơn khát vốn” cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo các bộ ngành, Liên đoành Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng sex có những thảo luận về kế hoạch chuẩn bị ứng phó cũng như chủ động thích ứng và xoay chuyển thách thức thành cơ hội của các ngành nông nghiệp, ngành công thương; vấn đề cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030; vấn đề chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động xã hội cũng là điểm được đưa ra thảo luận và bàn giải pháp cải thiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam./.
Thảo Lan