Tọa đàm việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập
(LĐXH)- Ngày 27/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập”. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp là khách mời tham gia Chương trình tọa đàm.
Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc hội nhập kinh tế quốc tế đang được đẩy mạnh, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ cả theo chiều rộng và theo chiều sâu của khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa các quốc gia. Quá trình hội nhập kinh tế đã mang tới nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức đối với thị trường lao động trong nước. Đứng trước những thách thức này, nguồn nhân lực trong nước phải “chuyển mình” ra sao? Cơ chế chính sách về việc làm cần thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu lao động trong tình hình mới? để có thể phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Lao động và Xã hội xin trích dẫn một số nội dung của cuộc Tọa đàm giữa Biên tập viên (BTV) của Cổng thông tin điện tử Chính phủ với Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Doãn Mậu Diệp.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động. Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40,4%.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế; cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thụât, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao; hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém; có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, mặc dù thiếu việc làm chiếm tỷ lệ lớn, nhưng một số ngành nghề, địa phương.. không tuyển được lao động; hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao; một bộ phận lớn người lao động chưa được bảo vệ trong thị trường...
BTV: Có một thực tế đó là tỷ lệ lao động thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tuy nhiên chất lượng việc làm của lao động của chúng ta lại chưa cao. Vậy ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,26%, trong khu vực thành thị là 3,19%, có 53,5 triệu lao động có việc làm nhưng chỉ có 42% là người làm công ăn lương; Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 57,1%; Năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động).
Do vậy, nhận định trên đã phản ánh thực trạng về thị trường lao động Việt Nam, những vấn đề chủ yếu mà chúng ta cần phải giải quyết: đó là làm cách nào để nâng cao chất lượng việc làm của người lao động, tăng thời gian sử dụng lao động, tăng năng suất lao động.
BTV: Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tạo việc làm trong nước, Việt Nam cũng tích cực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau. Xin ông cho biết về tình hình triển khai các chính sách này ở Việt Nam hiện nay?
BTV: Chúng ta đang ở thời điểm cuối của năm 2017, xin ông cho biết đánh giá của mình về bức tranh thị trường lao động của Việt Nam trong năm vừa qua? Đâu là những điểm sáng và đâu là những điểm hạn chế cần khắc phục trong năm tới?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện. Tuy nhiên thị trường lao động ta vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục như:
Chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.
Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Trong khi cung lao động lớn, song vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, không chỉ lao động qua đào tạo mà còn khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.
Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, Lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng lao động (sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông).
Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức, vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế. Còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc thậm chí là không có hợp đồng. Và thất nghiệp gia tăng mạnh ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).
BTV: Xin ông cho biết hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc các Sở Lao động – TBXH địa phương được triển khai như thế nào và cần làm gì để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống này trong vai trò là cầu nối giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Hiện nay, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm gồm 98 trung tâm, trong đó có 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giao cho Sở Lao động - TBXH quản lý và 35 trung tâm thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất quản lý. Trong thời gian tới để phát huy hiệu quả của hệ thống này cần phải:
Rà soát, sắp xếp lại các Trung tâm: Trung tâm nào không đảm bảo đủ điều kiện hoạt động thì sẽ cho giải thể; Trung tâm nào có đủ điều kiện để chuyển đổi thành Công ty cổ phần; những Trung tâm ngành Lao động - TBXH bên cạnh thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức hoạt động.
Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ việc làm, đa dạng hóa nguồn lực đóng góp cho hoạt động của các Trung tâm, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để nâng cao hiệu quả các Trung tâm dịch vụ việc làm, đào tạo đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp… Đầu tư và áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động của Trung tâm.
Tăng cường hợp tác công tư, thông qua các chương trình, dự án về thị trường lao động có sự tham gia của các tổ chức tư nhân về dịch vụ việc làm và các tổ chức khác.
Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá nhằm thiết lập các cơ chế quản lý hoạt động dịch vụ việc làm, có chính sách khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh và công khai, rõ ràng và minh bạch trong toàn hệ thống.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xóa nhòa danh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý, màu da, dân tộc; tạo ra một thế giới phẳng. Thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.
Đối với Việt Nam - một quốc gia có xuất phát điểm, nền tảng, trình độ (công nghệ, nguồn nhân lực..) hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức như: Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao robot, trang thiết bị công nghệ thông minh. Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là một số ngành/lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin...
BTV: Để có những chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác dự báo thị trường lao động đang được ngành Lao động - XH thực hiện như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Hiện nay, Bộ có các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như: quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động…cụ thể qua nhiều sản phẩm như: Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam (xuất bản hàng năm); Báo cáo đánh giá sự dịch chuyển vị thế của người lao động trên thị trường lao động hậu WTO; Báo cáo Phân tích tình hình sử dụng lao động và dự báo cầu lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam; Báo cáo Nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh các hợp tác khu vực ASEAN về kinh tế và lao động: Cơ hội và thách thức; Báo cáo phân tích, đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động Việt Nam.
Các ấn phẩm này đã cung cấp kịp thời các thông tin về xu hướng, biến động của thị trường lao động trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai, được các độc giả đánh giá cao về chất lượng cũng như sự đa dạng, phong phú của nội dung được đề cập trong các ấn phẩm. Đồng thời những thông tin trên cũng là cơ sở khoa học để cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có những điều chỉnh về chính sách, các giải pháp can thiệp vào thị trường lao động một cách hợp lý và hiệu quả. Đặc biệt một số ấn phẩm này đã đáp ứng nhanh, phục vụ kịp thời cho Lãnh đạo Bộ, Cục trong các cuộc họp định kỳ, đột xuất về các vấn đề liên quan đến thị trường lao động…
Hiện nay, một số mô hình được triển khai phục vụ cho dự báo trung và dài hạn như: Mô hình dự báo liên ngành cấp vĩ mô cho Việt Nam (Mô hình Lotus): Hệ thống mô hình hóa này có tính chất dài hạn (10 năm hoặc xa hơn) cho tương lai của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. Tâm điểm của mô hình này là nhu cầu lao động theo nghề và những yêu cầu về đào tạo để phát triển nguồn cung lao động cần thiết đáp ứng những nhu cầu đó; Mô hình phối hợp tiếp cận hàm sản xuất và tăng trưởng: mô hình này cho phép dự báo cung, cầu lao động trong khu vực doanh nghiệp... Đối với dự báo ngắn hạn đang được thực hiện theo mô hình của Thụy Điển dựa trên kết quả điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp qua các năm của Bộ Lao động – TBXH…
BTV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã tham gia Chương trình!
Chí Tâm
TAG: