"Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chính sách người cao tuổi, người khuyết tật..."
(LĐXH)- Đó là một trong những ý kiến đề xuất của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH tại phiên giải trình về “Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng ngày 6/8.
“Chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, người khuyết tật về cơ bản hiện nay tương đối toàn diện. Tuy nhiên, vấn đề là việc tổ chức thực hiện chưa tốt, đặc biệt còn yếu ở cấp cơ sở, xã, phường và một số cơ quan, đơn vị. Thứ nhất là yếu về nhận thức, coi việc chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật là gánh nặng chứ không phải trách nhiệm. Việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, chính sách cũng đầy đủ nhưng thực hiện không nghiêm túc. Công tác thanh, kiểm tra cũng được thực hiện nhưng chưa đúng mức, đặc biệt việc xử lý vi phạm chưa triệt để. Để làm tốt hơn công tác chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, vấn đề hiện nay là với các chính sách đã có rồi thì phải thực thi cho nghiêm, phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó công tác thông tin, truyền thông rất quan trọng. Chúng ta cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách. Bộ Lao động - TBXH với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi tiếp thu các ý kiến và sẽ tham mưu với Chính phủ để điều chỉnh chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật cho phù hợp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi.
Báo cáo giải trình trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung, cho biết: Đến 31/12/2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ, khoảng 7,2 triệu người cao tuổi đang sống ở khu vực nông thôn; cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm 6,5% dân số), gồm: 1,03 triệu người khiếm thị, 930 ngàn người khiếm thính, 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 5,1 triệu người khuyết tật nhẹ.
Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Lao động – TBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành soạn thảo, trình Quốc hội bổ sung nội dung liên quan trong các Bộ luật và 16 Luật liên quan; Chính phủ ban hành 40 Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 26 Quyết định; Bộ Lao động - TBXH, các Bộ, ngành đã ban hành 61 Thông tư, Thông tư liên tịch có liên quan về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật. Trong đó có những văn bản rất quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 06/2011/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội… Các văn bản trên đã quy định chi tiết về chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần đối với người cao tuổi, người khuyết tật và bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định của Luật.
“Thông qua đó, cả nước đã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 1,5 triệu người, làm căn cứ giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật, khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ BHYT, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.
Mức trợ cấp đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp
Đến nay cả nước thành lập 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, với công suất phục vụ khoảng 20.000 người. Bên cạnh đó, cả nước đã có 55 trường cao đẳng, đại học có đào tạo về công tác xã hội, hàng năm đào tạo hệ chính quy cho khoảng 4.500 chỉ tiêu cử nhân công tác xã hội, bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên chăm sóc người người cao tuổi, người khuyết tật. Tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn nâng cao năng lực cho hàng chục ngàn lượt cán bộ, nhân viên về công tác xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi, người khuyết tật còn nhiều bất cập; các dụng cụ, thiết bị trợ giúp người khuyết tật như máy trợ thính, chân giả, tay giả chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Rào cản về tiếp cận thông tin, đi lại cho người khuyết tật là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là ở khu vực đô thị, khó bảo đảm lộ trình tiếp cận giao thông, công trình công cộng theo quy định của Luật Người khuyết tật, trong thiết kế công trình công cộng ít chú ý đến việc tiếp cận cho người cao tuổi, người khuyết tật...
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi như thông qua giám sát, người cao tuổi thường có một số thắc mắc về một số vấn đề đó là: Đề nghị giảm tuổi hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75; những người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí hay thân nhân liệt sĩ tại sao không được hưởng trợ cấp. Mức trợ cấp đối với người cao tuổi, người khuyết tật đang thấp hơn mức sống tối thiểu, tại sao chuẩn nghèo tăng trong khi mức trợ cấp đối với người khuyết tật và người cao tuổi lại không tăng? Do đó cần đề nghị nâng mức trợ cấp cho các đối tượng này...
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Về độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, trước đây chúng ta quy định là 90 tuổi, rồi xuống 85 và hiện là 80 tuổi. Chính vì vậy, muốn điều chỉnh phải tính toán sửa Luật hoặc Quốc hội phải có Nghị quyết nếu cần sửa gấp. “Trong kế hoạch thì đến 2021 mới sửa. Quan điểm cá nhân tôi đồng tình nên rút xuống 75 tuổi, mức trợ cấp cũng phải nâng lên. Về mức chuẩn trợ cấp xã hội 270 nghìn đồng như hiện nay, chúng ta phải đặt thời gian sớm nhất để điều chỉnh, điều này là thỏa đáng (cuối năm 2019, Bộ Lao động - TBXH sẽ đề xuất với Chính phủ để nâng lên).
Đối với các ý kiến còn nhiều băn khoăn là trợ cấp tại sao chỉ dành cho người không có lương; còn người có công, người có lương hưu thì không được hưởng? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Ở đây chính sách của chúng ta hiện nay chủ yếu là hỗ trợ những người chưa có lương hưu, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tới đây, Việt Nam sẽ phải nghiên cứu tính toán để hỗ trợ người cao tuổi, kể cả những người sau khi nghỉ hưu. Vừa qua, chúng ta có một số chính sách nhưng là chính sách nhỏ lẻ, mới tập trung một số đối tượng, ví như người cao tuổi có trình độ cao nhưng chúng ta vẫn thiếu một chính sách tổng quát. Trong kế hoạch 2020 có đặt vấn đề nghiên cứu chính sách này.
Liên quan đến đề xuất nên quy định doanh nghiệp phải sử dụng lao động là người khuyết tật ở một tỷ lệ nhất định nào đó? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi: Về quy định tỷ lệ sử dụng lao động khuyết tật thì quy định cứng không là khả thi, trước chúng ta đã từng quy định rồi bỏ. Nói chung với người cao tuổi và người khuyết tật, tinh thần chung là Nhà nước có trách nhiệm phải chăm lo cho họ và khuyến khích họ tham gia lao động sản xuất. Vì thế khi sửa Luật Lao động chúng ta chuyển sang hướng khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật...
“Cần nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi có khả năng lao động được tham gia cống hiến, sống vui, sống khỏe. Rà soát và có chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, giáo dục, y tế; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ đối với người khuyết tật. Xem xét, phê chuẩn bố trí nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định; ưu tiên nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; tăng cường giám sát lồng ghép với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề, việc làm và giảm nghèo, nhất là cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số...” – Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, đề xuất.
Chí Tâm
TAG: