Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở Yên Bái
05:05 PM 29/09/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh Yên Bái tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh. Hoạt động về bình đẳng giới theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được triển khai đầy đủ, toàn diện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có bình đẳng giới trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).

Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là một trong 6 mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030” của UBND tỉnh Yên Bái.

Theo Kế hoạch này, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ 2025 trở đi là một trong những chỉ tiêu cụ thể trong mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT. 

Thực hiện nội dung này, trên cơ sở khuyến nghị của Bộ GD-ĐT về giới, dân tộc thiểu số và kỹ năng sống trong việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, tỉnh Yên Bái đã biên soạn và đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào Tài liệu giáo dục địa phương từ lớp 6 đến lớp 10. Tài liệu đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt và được tỉnh đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình thực hiện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trẻ em gái dân tộc Mông ở Mù Cang Chải tham gia lớp học xóa mù chữ.

Các nội dung về giới được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Yên Bái, gồm: nội dung về giới; giới tính; bình đẳng giới, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của cả giới nam và giới nữ, xóa bỏ định kiến giới.

Để tăng tỷ lệ trẻ em gái tham gia học tập ở các bậc học, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận giáo dục của trẻ em, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. 

Đến nay, tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 99%, tỷ lệ hoàn thành cấp THCS đạt 93%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 42%; tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 42,49%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 26,47%. 

Trong các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế không có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Tỷ lệ nữ tham gia xây dựng các dự án, đề án khoa học chiếm khoảng 40% tổng số người tham gia. Tỷ lệ tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học, công nghệ chiếm khoảng 50% cho mỗi giới. 

Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan về lao động trong lĩnh vực GD-ĐT thông qua các hình thức phù hợp.
Sở cũng chỉ đạo tích hợp nội dung tuyên truyền giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng về giới, công tác bình đẳng giới; kiến thức sinh sản, xây dựng gia đình hoà thuận, ấm no, tiến bộ vào chương trình các cấp học cho phù hợp từ 169 trường Mầm Non; 52 trường Tiểu học; 189 trường THCS; 27 trường THCS&THPT và THPT trong toàn tỉnh. Các cơ sở giáo dục đã chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn trong ngành giáo dục, đào tạo
100% cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai các nội dung về bình đẳng giới cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Các trường học cũng đã chủ động lồng ghép giáo dục phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung, chương trình giảng dạy trong nhà trường; tổ chức các hoạt động truyền thông, tọa đàm về chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường trên cơ sở giới... 
Phát huy những kết quả đã đạt được, công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu đưa nội dung giới, bình đẳng giới vào Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 5, 11, 12 trình Bộ GD-ĐT phê duyệt và đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong các năm học tiếp theo. 
Bên cạnh đó, để tiếp tục tăng tỷ lệ trẻ em gái tham gia các bậc học, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp, chính sách như: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, kế hoạch về phát triển GD-ĐT, quan tâm đến giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển GD-ĐT nhằm tăng tỷ lệ trẻ em tham gia học tập ở các bậc học; thực hiện phân luồng, thu hút học sinh tham gia học tập ở các bậc học ./.
Mỹ Linh
 
TAG: giáo dục - đào tạo
Tin khác
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa