Trong hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 ở thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã có nhiều cố gắng nỗ lực, thực hiện đạt 19/22 chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới, tiêu biểu là các chỉ tiêu về BĐG trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm mới cho phụ nữ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ; chỉ tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và trong gia đình có chuyển biến nhanh, tích cực. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, tổ chức Hội phụ nữ các cấp được củng cố kiện toàn, tạo điều kiện phát huy tích cực vai trò chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái. Một trong những nội dung được quan tâm và thực hiện đó là công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BĐG, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BĐG trên địa bàn được chú trọng. Công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm tại gia đình, cộng đồng, trường học, nơi làm việc và ở các cấp trên địa bàn; nhận thức của cán bộ, người dân về BĐG, về vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng lên.
Nổi bật, trong lĩnh vực chính trị, công tác BĐG đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo đó, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của thành phố là 2.104 người, trong đó nữ có 1.256 người, chiếm 60%; Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại các phòng ban, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố là 21/74 người đạt 28%; Cán bộ nữ là lãnh đạo thành phố 02 người, đạt 28,6%; Cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ là 02/11 người, đạt 18.2%; Nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là 15/42 người đạt 35.7%; Cơ quan Đảng và Đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có lãnh đạo quản lý là nữ 10/22 đạt 45.5%; 100% cán bộ nữ lãnh đạo có trình độ đại học chuyên môn trở lên; 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (trong đó: cử nhân, cao cấp lý luận là 66 người).
Trên thực tế, cũng như các địa phương khác, mặc dù có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng trong toàn dân song các vấn đề bất BĐG ở Móng Cái vẫn còn tồn tại và nhiều thách thức đẩy lùi sự tiến bộ của phụ nữ và là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện thành phố vẫn còn tỷ lệ cao trẻ em và phụ nữ đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng miền núi, biên giới (Hải Sơn, Bắc Sơn), biển đảo (Vĩnh Thực, Vĩnh Trung); dịch bệnh Covid-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới nhóm đối tượng này dẫn đến các vấn đề tồn tại trong công tác BĐG chưa thể giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.
Thời gian tới đây, thành phố Móng Cái sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác BĐG. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về BĐG. Thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến BĐG hoặc có vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới. Lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp, các ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về BĐG. Xây dựng chương trình phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác BĐG; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giới. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật BĐG, bảo đảm tốt quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho phụ nữ…
Vừa qua, tại lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đỗ Văn Tuấn, đề nghị các phòng, ban chức năng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố, các xã, phường, các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, BĐG và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em./.
Trần Huyền