Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới năm 2016. Tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam được cải thiện nhanh thể hiện ở các chỉ số phát triển giới ( GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều ở mức khá tốt. Theo báo cáo phát triển con người năm 2016, chỉ số GII của Việt Nam là 0,337, xếp thứ 71/188 quốc gia; chỉ số GGI là 0,700 xếp thứ 65/183 quốc gia và chỉ số GDI là 1,010 thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia) xếp hạng về bình đẳng giới trong giá trị chỉ số phát triển con người.
Cụ thể, trong lĩnh vực tham chính, tỷ lệ nữ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực ASEAN).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Trong những năm qua, hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với xu thế hội nhập. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình liên quan đến lĩnh vực này được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động tại Việt Nam đạt trên 70%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở kinh doanh đạt 31,6%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao.
Bàn Chủ tọa Diễn đàn
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng song Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới 5 điểm phần trăm; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công… Có tới 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ được nêu trên có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Nữ chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. Một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn
Bà Helle Buchhave, Điều phối viên về Giới khu vực Đông Á, Thái Bình Dương cho biết: Hệ thống chính sách pháp luật tại Việt Nam hiện nay có thể tác động đến vấn đề giới ở nhiều lĩnh vực, điển hình là việc chủ sử dụng lao động thích thuê lao động là nam giới hơn nữ giới; một số công việc không sử dụng lao động nữ do các nhà hoạch định chính sách thấy có hại cho chức năng làm mẹ đối với nữ giới được quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) hay khoảng cách về tiếp cận đai trong Luật Đất đai.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi các tiến bộ công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, người máy… dự báo sẽ có những tác động to lớn đến nhiều mặt đời sống, kinh tế xã hội. Con người sẽ được giải phóng khỏi những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, công việc nặng nhọc, những công việc giản đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ. Kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới và đây cũng được coi là cơ hội để cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động và thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh trình bày tham luận
“Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập ở Việt Nam” tại Diễn đàn
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chương trình hành động, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và sản xuất thì điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới cần phải tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ bản thân, vừa tích cực tham gia các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội.
Giám đốc UN Women tại Việt Nam – bà Elisa Fernandez trình bày tham luận
“ Bình đẳng giới và Mục tiêu phát triển bền vững: Thách thức và khuyến nghị
cho Việt Nam trong kỷ nguyên số và hội nhập” tại Diễn đàn
Kỷ nguyên số và hội nhập với sự ứng dụng rộng rãi các tiến bộ công nghệ đã nhanh chóng giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, những công việc giải đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ. Kỷ nguyên số đang mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới.
Điều phối viên về Giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới – bà Helle Bouchhave trình bày tham luận “Lồng ghép giới vào luật pháp và chính sách” tại Diễn đàn
Diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập” được tổ chức nhằm thảo luận những vấn đề mới phát sinh về bình đẳng giới, xác định những thách thức và bàn về các giải pháp khai thác tối đa các cơ hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập ở Việt Nam.
Hà Giang