Chia sẻ về việc thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa bàn miền núi, quy tụ nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Lai Châu, ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh khẳng định: Mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân cơ bản còn vất vả nhưng qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung về Luật Bình đẳng giới trên các lĩnh vực đã đạt được kết quả tốt. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã có những bước chuyển biến về nhận thức, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và lồng ghép giới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện chính sách luật pháp, ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, làm tốt công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vai trò của chị em phụ nữ trong gia đình từng bước được tôn trọng.
Chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong mọi lĩnh vực
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, hiện, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 14% đối với cấp tỉnh, cấp huyện là gần 20%; tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16.7%; Giám đốc Sở và tương đương 10%; Phó Giám đốc Sở và tương đương là 22,2%; Trưởng phòng cấp Sở và tương đương 23,6%; Trưởng phòng cấp huyện và tương đương 20%…Thông qua việc triển khai các hoạt động giải quyết việc làm và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của tỉnh lên 42,02%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 31,15%. Đồng thời, 60% chị em ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Qũy quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn tín dụng khác. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 12,8%, thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, công tác quán triệt, triển khai các nội dung về công tác nữ đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể, qua đó, các chỉ số phát triển giới đã được các cấp, các ngành từng bước đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện chính sách, luật pháp, ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới. Các chỉ tiêu và nội dung về bình đẳng giới cũng được chú trọng thực hiện ở các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và du lịch...
Các chỉ tiêu về bình đẳng giới đều được tỉnh Lai Châu quan tâm, lồng ghép thực hiện
Thời gian tới đây, để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bình đẳng giới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện một số chính sách, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đội ngũ cán bộ nữ, phấn đấu tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, HĐND, UBND. Phát triển tổ chức hội phụ nữ vững mạnh, nhân rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của hội trong công tác vận động phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ./.
Trần Huyền