Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thừa Thiên Huế: Lan tỏa phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công
03:04 PM 18/09/2020
(LĐXH) – Được thành lập từ năm 1985 theo quyết định của UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Thừa Thiên - Huế có chức năng quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng người có công với cách mạng cô đơn không nơi nương tựa trên địa bàn; tiếp nhận, đưa đón người có công đến điều dưỡng luân phiên tại Trung tâm theo kế hoạch hàng năm; tổ chức đón tiếp thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng, tìm kiếm, di chuyển mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc Người có công Thừa Thiên Huế đã không quản ngại khó khăn vất vả, tận tình chăm sóc các cụ là những người có công với cách mạng. Tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên nơi đây đã mang đến cho các cụ niềm vui, cũng như tạo nên một mái nhà chung của những người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài công việc hàng ngày là giúp các cụ ăn uống và chăm sóc y tế mỗi khi trái gió trở trời, các nhân viên Trung tâm còn gần gũi, động viên các đối tượng, giúp cho các đối tượng có được tinh thần tốt nhất khi ở đây. Cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xem các đối tượng như người thân yêu, tạo cho họ  được sống trong bầu không khí ấm áp như một gia đình.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế thăm Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách làm, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc cho các đối tượng Người có công; tạo điều kiện để các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe của người có công cũng từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa hơn. Đặc biệt, từ tháng 6/2019 Trung tâm được tiếp nhận, quản lý thêm cơ sở 2, Nhà nghỉ dưỡng Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đã giúp cho công tác điều dưỡng Người có công với cách mạng được đẩy lên một tầm cao mới. Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Người có công khi đến Trung tâm điều dưỡng, nghỉ dưỡng sẽ được hưởng thụ các chế độ phục vụ theo yêu cầu và đáp ứng tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. Cùng với các hoạt động tại Trung tâm, các đoàn điều dưỡng còn được tự lựa chọn chương trình tham quan với chi phí hợp lý, phù hợp với quy định của Nhà nước. Trung tâm cũng chủ động liên kết với các tỉnh thành khác, các đơn vị để đưa người có công đi tham quan, điều dưỡng ngoại tỉnh”.
Không chỉ các cụ già đã ở lâu mà các đối tượng người có công vào Trung tâm điều dưỡng theo định kỳ vẫn đều cảm nhận được tình cảm các nhân viên ở đây dành cho mình. Trường hợp người có công qua đời, Trung tâm tổ chức tang lễ chu đáo theo phong tục tập quán của địa phương và theo các chế độ đã được quy định. Đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, các đối tượng còn được cán bộ nhân viên của Trung tâm chăm sóc chu đáo về vật chất, tinh thần hơn những ngày bình thường, bù đắp tình cảm và sự thiếu thốn của các đối tượng người có công neo đơn đang được nuôi dưỡng. Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động như tảo mộ những người có công đã từ trần không có người thân chăm sóc, đưa đoàn người có công viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức dâng hương Bác Hồ, tổ chức các hoạt động chúc tết và thăm hỏi đầu năm…
Thăm hỏi, tặng quà người có công tại Trung tâm
Ngoài lĩnh vực chăm sóc phục hồi sức khỏe cho đối tượng người có công với cách mạng điều dưỡng luân phiên tập trung; công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công hiện đang quản lý cũng được đơn vị rất quan tâm chú trọng. Việc theo dõi sức khỏe đưuọc thực hiện hàng ngày, nhất là đối với những trường hợp ốm đau, đi lại khó khăn hoặc không tự chủ được. Đối với người có công bị ốm nặng, Trung tâm sẽ cử cán bộ đưa đi khám, điều trị tại bệnh viện và chăm sóc, thăm hỏi kịp thời.
Được nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 1995, mẹ Trần Thị Hằng, quê xã Phong Hiền (Phong Điền) năm nay đã tròn 77 tuổi. Qua 25 năm ở trung tâm, bà đã xem đây là ngôi nhà thân thương và xem các anh chị cán bộ, phục vụ ở trung tâm như những người thân, người con trong gia đình. Chia sẻ với phóng viên, Mẹ Hằng cho biết: “Chồng hy sinh, không con cái, giờ mẹ chỉ biết nương nhờ các con, cháu, cô, chú ở trung tâm. Lúc mới vô, mẹ chưa tới 37kg, nhưng nhờ được chăm sóc, nuôi dưỡng, ăn uống điều độ nên mẹ mập lên, khỏe ra và lạc quan hơn rất nhiều”. Cùng chung cảnh ngộ như mẹ Hằng, có 21 người có công lớn tuổi, đơn thân với tình trạng sức khoẻ có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp... cũng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên ở Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công. Với họ, đây đã trở thành mái ấm đặc biệt giúp họ vơi bớt nỗi thiếu vắng chồng, con do hy sinh trong chiến tranh.
May mắn hơn những hoàn cảnh người có công neo đơn, không nơi nương tựa phải vào trung tâm điều dưỡng, chăm sóc thường xuyên, bác Lê Đức Thanh là thương binh đang sống cùng gia đình ở xã Phú Gia, huyện Phú Vang bình quân 2 năm một lần được địa phương cho đi điều dưỡng theo chế độ. Ngoài thời gian tham gia điều dưỡng, chăm sóc bằng các liệu pháp trị liệu, ăn nghỉ tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công ở đường Yết Kiêu, TP. Huế, bác Thanh và những người trong đoàn còn được đi tham quan các điểm di tích lịch sử trong trong tỉnh và đi thăm quan, nghỉ dưỡng ngoại tỉnh.
Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp
Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe, bữa ăn cho đối tượng. Trung tâm luôn quan tâm đến nhu cầu chăm sóc về mặt tinh thần của đối tượng. Trung tâm tổ chức cho người có công tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, nghe nói chuyện thời sự, tham quan du lịch, tư vấn sức khỏe… Tất cả các hoạt động này đều được 100% đối tượng điều dưỡng tham gia, đã tạo cho họ một tinh thần phấn khởi, thoải mái và thể trạng khoẻ mạnh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điều dưỡng cho người có công, Trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp trong khuôn viên. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ… đều được bố trí khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp.
Năm 2019, đơn vị đã đón tiếp 23 đoàn người có công đến điều dưỡng tập trung với 2.061 lượt người. Trong đó, có 1.894 lượt người thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; 167 lượt người có công thuộc tỉnh Kon Tum; tổ chức đón tiếp 30 đoàn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, di chuyển mộ liệt sĩ. Riêng trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức đón tiếp 300 lượt người có công tỉnh Nghệ An đến điều dưỡng. Trong quá trình điều dưỡng, đơn vị đã tổ chức công tác chăm sóc sức khỏe được nghiêm túc triển khai theo quy trình: kiểm tra sức khỏe để lập hồ sơ, phân loại đối tượng và lên phương pháp điều trị, điều dưỡng; thăm khám hàng ngày; cấp phát thuốc đầy đủ; hướng dẫn đối tượng tập máy massage, máy vận động trị liệu, vật lý trị liệu. 
Chăm sóc, phụ hồi sức khỏe cho đoàn người có công tỉnh Nghệ An
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công đã có kế hoạch cụ thể và triển khai đồng loạt nhiều biện pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh do virut corona như: Phối hợp Trạm Y tế phường, thị trấn để tổ chức phun thuốc diệt khuẩn trong khuôn viên Trung tâm theo định kỳ 2 lần/tuần, phổ biến với Người có công về những việc được làm và không được làm trong thời điểm dịch bệnh, theo dõi đặc biệt đối với tình hình sức khoẻ của Người có công về quê ăn tết trở lại Trung tâm, cấp phát và hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho người có công, thăm khám cho Người có công: Định kỳ 2 lần ngày đối với trường hợp bình thường, khử độc và An toàn -Vệ sinh thực phẩm…. Đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội, các dưỡng lão viên ở tại chỗ không ra ngoài, đồng thời thân nhân không đến thăm trực tiếp, bộ phận cấp dưỡng đã thay đổi món ăn theo thời tiết, tình trạng sức khoẻ đảm bảo hợp khẩu vị giúp các đối tượng dễ dàng hấp thu thức ăn. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng chống bệnh cho đối tượng. Nhân viên y tế tại đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các đối tượng, phát hiện sớm người nhiễm bệnh. Thực hiện nghiêm túc, đúng việc thăm khám hàng ngày cho đối tượng tại Trung tâm, ghi nhận, lưu giữ hồ sơ tình hình theo dõi bệnh của đối tượng, giúp phát hiện sớm sự lây nhiễm trong cơ sở. Báo cáo đơn vị, y tế địa phương khi xuất hiện ca bệnh.
Người có công tỉnh Nghệ An mua quà lưu niệm tại Trung tâm
Song song với công tác chăm sóc đối tượng, công tác vệ sinh được chú trọng trong phòng chống dịch, tập trung vệ sinh các khu vệ sinh chung, khu vệ sinh phòng nghỉ của đối tượng nuôi dưỡng. Hàng ngày việc vệ sinh khử khuẩn, lau sàn bằng tinh dầu sả theo đúng qui trình đã ban hành, phun thuốc Cloramin B, khu vực công cộng. Tất cả phòng ở của đối tượng, phòng sinh hoạt giữ thông thoáng, ban ngày mở tất cả các cửa sổ. Trung tâm đã chuẩn bị một phòng cách ly tại khu nuôi dưỡng tách riêng với phòng ở của người có công, sử dụng khi có người có công nghi nhiễm hoặc liên quan. Xe cấp cứu chuẩn bị sẵn sàng ứng trực phục vụ và khử khuẩn 2lần/ngày trong trường hợp sử dụng chống dịch. Khách đến liên hệ công tác thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi làm việc.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được lan tỏa mạnh mẽ trên toàn địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, và Trung tâm lại nằm trong lòng đô thị di sản, nơi đang hướng tới tiêu chí "xanh – sạch – sáng", nên vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, giúp đối tượng đến điều dưỡng được hưởng thụ bầu không khí trong lành luôn được lãnh đạo Trung tâm quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Do đó, không chỉ tịch cực hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động, làm cho Trung tâm luôn sạch đẹp, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm được yêu cầu phải biết cách thu gom rác thải và phân loại rác thải ngay tại chỗ, giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, các loại rác thải sinh hoạt, rác thải thông thường sau khi thu gom, đơn vị hợp đồng với các cơ sở xử lý rác thải tại địa bàn để xử lý; còn rác thải y tế thì Trung tâm nhận được sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, bệnh viện trong khâu thu gom, tiêu hủy. Nước thải từ các hoạt động của Trung tâm cũng được xử lý và xả thải vào hệ thống xử lý nước thải chung của đô thị Huế. Riêng tại Nhà nghỉ dưỡng Lăng Cô, đây là cơ sở mới được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nên các vấn đề về hệ thống xử lý xả thải đều phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt, nhất là khi đơn vị được xây dựng tại địa điểm được mệnh danh là có một trong những Vịnh đẹp nhất thế giới.
Công tác đảm bảo cảnh quan môi trường sạch sẽ luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng
Ông Lê Hồng Tâm, đoàn điều dưỡng huyện Phú Vang cho biết: "trong thời gian điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc Người có công Thừa Thiên – Huế, bản thân tôi và cũng như nhiều người khác cảm nhận rõ hơn chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Khi ở đây, chúng tôi cũng nhận thấy đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm phục vụ tận tình, chu đáo, nhất là lo nơi ở thoáng mát, các bữa ăn ngon lành; hàng ngày còn lo châm cứu, phục vụ chăm sóc sức khỏe của chúng tôi một cách đầy đủ".
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc Người có công Thừa Thiên – Huế khẳng định, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Trung tâm luôn luôn nỗ lực hết mình để phục vụ đối tượng Người có công với cách mạng; xem đối tượng phục vụ như người nhà của mình, xem trung tâm như nhà của mình. Trong năm thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, giữ vững ổn định về mọi mặt, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đoàn kết góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có công với cách mạng và các hoạt động xã hội. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp luôn được phát động trong toàn đơn vị hàng tuần, hàng tháng, là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công việc vào cuối năm.
Nam Khánh

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật