Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hà Tĩnh chăm sóc người có công trong môi trường xanh – sạch – đẹp
04:32 PM 27/08/2020
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp để góp phần tạo tâm lý thoải mái và chăm lo tốt hơn đời sống của các đối tượng người có công với cách mạng được Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh quan tâm thực hiện chu đáo.
Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, chịu nhiều đau thương, mất mát sau hai cuộc chiến tranh. Toàn tỉnh có hơn 296.000 đối tượng người có công với cách mạng (trong đó có gần 50.000 người đang hưởng trợ cấp thường xuyên) và gần 300.000 đối tượng người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật và đối tượng bảo trợ xã hội khác cần được sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ. Bởi lẽ, các đối tượng nuôi dưỡng, nhất là người có công với cách mạng mỗi năm sức khỏe càng giảm sút, ốm đau thường xuyên, nguy cơ tai biến, chấn thương do tai nạn rất cao; đối tượng điều dưỡng tập trung đến từ nhiều địa phương, phong tục tập quán, nhu cầu ăn ở, sinh hoạt đa dạng; đa số các cụ tuổi cao, sức khỏe yếu, thương tật nặng, khó tính, đi lại gặp nhiều khó khăn.
Người có công đến điều dưỡng trong môi trường sạch sẽ tại Trung tâm
Nhằm thực hiện trách nhiệm lớn lao, tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được thành lập năm 1999 với nhiệm vụ chính là tổ chức chăm sóc, điều dưỡng các đối tượng chính sách người có công.
Còn nhớ, khi thành lập, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội được tiếp nhận cơ sở vật chất từ Dự án Trung tâm thần kinh của Bộ Lao động - TBXH đầu tư xây dựng. Những buổi đầu hoạt động, công việc đặc thù mới mẻ và tương đối phức tạp, lại là lĩnh vực công tác hoàn toàn mới, Ban Giám đốc đến cán bộ, nhân viên chưa có kinh nghiệm nên từ khâu đón tiếp, bố trí phòng nghỉ đến việc phục vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, thuốc men, các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao không đều, kinh phí hoạt động thì hạn chế, các trang thiết bị thiếu thốn…
Mặc dù khó khăn là vậy, song tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu bằng tâm huyết và trách nhiệm để từng bước vượt qua những thời điểm khó khăn và đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. Thành công bước đầu đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ, nhân viên Trung tâm và đặt những bước đi đầu tiên cho công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và tổ chức điều dưỡng cho đối tượng sau này. Đặc biệt, trước sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh, bộ máy tổ chức Trung tâm ngày càng được kiện toàn, từ đó, công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của đơn vị có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu. Giờ đây, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp, Trung tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc để sẻ chia, điều dưỡng đối với những người có nhiều cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Sự quan tâm, chăm sóc tận tâm chu đáo của cán bộ, nhân viên đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện tấm lòng tri ân với thế hệ cha anh.
Trao đổi với chúng tôi, Trần Viết Tới, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tập trung 104 đối tượng, gồm: 9 người có công với cách mạng, 73 đối tượng bảo trợ xã hội và 22 đối tượng tự nguyện. Ngoài ra, trung bình hàng năm, Trung tâm còn tổ chức đón tiếp và phục vụ điều dưỡng tập trung từ 2.500 - 3.000 người có công với cách mạng. Xác định các đối tượng người có công đều là những người cao tuổi nên cán bộ Trung tâm luôn dành những tình cảm đặc biệt trong suốt quá trình nuôi dưỡng, thời gian điều dưỡng thông qua việc chăm sóc, phụng dưỡng như những người thân trong gia đình. Trung tâm hiện có 2 cơ sở cách nhau hơn 15 km. Trụ sở chính nằm trên địa bàn xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, tập trung nuôi dưỡng các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội. Cơ sở 2 là Khu điều dưỡng người có công với cách mạng nằm trên địa bàn xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên cho người có công với cách mạng. Đối với Khu điều dưỡng, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ với nhà dưỡng sinh, nhà chăm sóc đối tượng đặc biệt, căng tin, cổng chính, khu vui chơi thể thao, phương tiện đưa đón, máy móc thiết bị y tế...; các phòng ngủ đều được lắp máy điều hòa, ti vi, trang bị tủ quần áo, chăn ga, gối, đệm…
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng chăm lo đời sống người có công, Trung tâm còn quan tâm tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Có dịp đến Trung tâm vào thời gian có đợt nghỉ dưỡng, ai cũng dễ nhìn thấy các cô, các chú, các mẹ trên những ghế đá khuôn viên mỗi chiều vừa uống trà vừa trò chuyện với đồng đội cũ vui vẻ. Khuôn viên rộng, không khí trong lành, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tạo một cảm giác yên bình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các đối tượng người có công. Có những người đồng đội lâu ngày gặp lại, rồi cả những đồng đội ở chiến trường khác nhưng họ rất dễ hòa đồng, dễ trò chuyện và cùng kể cho nhau những chuyện ngày xưa, hồi tưởng lại quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng.
Bà Lê Thị Hường (hộ khẩu thường trú tổ Hưng Bình, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), nguyên là một thanh niên xung phong thời chống Mỹ cho biết: Đã ngoài thất tuần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm. Thời gian chỉ chưa đầy chục ngày ở Trung tâm, nhưng với tôi, đó là cả một kỷ niệm đáng nhớ và rất xúc động về tình người. Được biết bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức điều dưỡng luân phiên cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh còn tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nượng tựa; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng xã hội (người già cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa); tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng là người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật, đối tượng lang thang cơ nhỡ…
Cán bộ Trung tâm thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho người có công với cách mạng
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh Trần Viết Tới, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Trung tâm đã ban hành ngay kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh, đề phòng nguy cơ lây lan tại đơn vị và địa bàn lân cận. Bởi lẽ, các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người già mắc bệnh mãn tính lại nhiều bệnh nền, có sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho các cụ và toàn thể cán bộ nhân viên, Trung tâm đã huy động tối đa lực lượng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vấn đề phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, xây dựng kịch bản xử lý, khống chế, không để xảy ra nguy lây lan; thực hiện những biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nhà ở đối tượng, nơi làm việc của cán bộ, vệ sinh phòng ở, phòng ăn và toàn bộ khuôn viên cơ quan sạch sẽ.
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 2/2020, Ban Giám đốc Trung tâm đã chủ động chỉ đạo Phòng Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, triển khai mua hóa chất, vật tư y tế, gồm: 4 máy đo thân nhiệt, hóa chất ClominB, nước rữa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, lắp đặt bảng biển hướng dẫn cách rữa tay và phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Tổ chức lao động vệ sinh môi trường, bố trí cán bộ, nhân viên hằng ngày lau chùi phòng ở, nhà ở bằng hóa chất ClominB; phun hóa chất tiêu độc, khử trùng bằng Cloramin B toàn cơ quan vào ngày thứ 3 và thứ 6 hàng tuần; bố trí nhân viên y tế túc trực tại cổng ra vào cơ quan tiến hành đo thân nhiệt hằng ngày cho từng cán bộ nhân viên và khách vào làm việc, người thân vào thăm đối tượng; bố trí 3 vị trí rữa tay sát khuẩn bằng dung dịch ở cổng ra vào, các vị trí làm việc Phòng Y tế và Quản lý nhà ở đối tượng.
Ngoài ra, thực hiện công văn số 476/SLĐTBXH-LĐVL, ngày 12/3/2020 của Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh về việc giao phối hợp với UBND huyện Lộc Hà xây dựng phương án trưng dụng cơ sở vật chất Khu điều dưỡng người có công của Trung tâm thành khu cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid 19, đơn vị đã phối hợp xây dựng phương án sử dụng cơ sở chất, trang thiết bị; tổ chức tổng vệ sinh các khu vực nhà nghỉ, sân đường, tiểu cảnh; sắp xếp và rà soát lại các tài sản, trang thiết bị trong phòng nghỉ...
Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, đảm bảo quy mô, chất lượng, trong đó đơn vị đầu tư, sữa chữa cải tạo nhà chuyên biệt và cải tiến trang thiết bị phục vụ, nhất là sáng kiến cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ với quy mô 20 giường đã góp phần cải thiện môi trường sống của đối tượng... Nhờ đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung ngày càng được nâng cao về chất lượng, toàn diện hơn đáp ứng nhu cầu cho đối tượng; các hoạt động điều dưỡng luân phiên được tổ chức kịp thời, an toàn, đảm bảo thời gian và chất lượng, thường xuyên có sự đổi mới về phương thức phục vụ.
Thả bộ dọc hành lang Trung tâm trong không khí của một buổi chiều thanh bình, yên ả, bất chợt chúng tôi nhận ra bây giờ đang là Tháng Vu lan (tháng 7 âm lịch) khi nhìn thấy gần hai chục cụ già đang ngồi chuyện trò vui vẻ dưới những hàng cây xanh thoáng mát. Sau khi chào hỏi các cụ và tự giới thiệu, bà Phan Thị Tùng (75 tuổi, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ mà không khỏi thoáng chút ngậm ngùi: “Đây là mùa Vu lan thứ 3 tôi sống ở Trung tâm trong sự yêu thương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và trong sự san sẻ, cảm thông của những người cùng điều trị. Được sống ở Trung tâm, với tôi, đó là một hạnh phúc và tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn chế độ ta vì những chính sách an sinh xã hội".  

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa