Thừa Thiên Huế: Giải quyết hồ sơ người có công cần minh bạch, rõ ràng
Thừa Thiên Huế là 1 trong 9 địa phương chủ động áp dụng thí điểm xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ. Toàn tỉnh hiện không còn hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh tồn đọng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, số hồ sơ tồn đọng là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp, có nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Vướng mắc chủ yếu là nhiều người làm chứng không còn sống; có những nội dung xác nhận nêu chung chung hoặc mâu thuẫn ngay trong nội dung của người làm chứng; phải xác minh nhiều lần, ở nhiều nơi… Thế nên, có những trường hợp mất khá nhiều thời gian, nhiều lúc tưởng chừng bế tắc. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất hoặc tuổi cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục, cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi...
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế không còn hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408, nhưng cũng có tới 12 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, trong đó có 8 hồ sơ được lập trên cơ sở mới có một nhân chứng (thiếu một nhân chứng xác nhận, mộ ghi không đầy đủ...) và bốn hồ sơ chưa hoàn thiện thủ tục ở cấp xã, cấp huyện. Qua tổng rà soát và thực tế, vẫn còn những trường hợp hy sinh, bị thương chưa được công nhận, xác nhận nhưng theo Quyết định số 408 cũng như văn bản pháp luật ưu đãi người có công hiện hành thì không đủ điều kiện để xác lập hồ sơ. Trên cơ sở rà soát các thông tin và căn cứ có được, cơ quan chức năng cho công bố trên phương tiện truyền thông về những trường hợp đang xem xét để lấy ý kiến của nhân dân và các bậc lão thành cách mạng... để giải quyết triệt để.
Thừa Thiên Huế ít xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo nhưng không có nghĩa là đã giải quyết hết tồn đọng, vướng mắc trong công tác người có công. Những trường hợp hưởng sai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xác minh và lập thủ tục cắt hưởng trợ cấp 42 trường hợp; hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển hưởng trợ cấp đối với người có công và thân nhân người có công đến nơi có hộ khẩu thường trú. Trong quá trình triển khai, vẫn còn những quy định chưa sát, khó khăn khi triển khai thực hiện. Chẳng hạn, quy định về giải quyết chế độ đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, một trong những quy định là bị tù trong nhà tù có trong danh mục quy định. Hiện nay, trong danh mục chỉ có nhà tù của 49/63 tỉnh, thành và với 49 tỉnh/thành có trong danh mục cũng không thể hiện đầy đủ các nhà tù có ở các địa phương trên. Có những trường hợp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thể hiện rõ quá trình hoạt động trong các giấy tờ có giá trị pháp lý, song vẫn không được giải quyết được do họ không ở trong những nhà tù có trong danh mục quy định.
Sau khi rà soát có những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị: "Đối với trường hợp được cấp giấy báo tử hoặc cấp giấy chứng nhận bị thương đúng theo quy định trước ngày Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thì nay được xem xét công nhận, xác nhận. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần quy định cụ thể trường hợp người đã được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động, nay mắc thêm bệnh do phơi nhiễm chất độc hóa học thì được giám định bổ sung để làm căn cứ giải quyết trợ cấp. Những hồ sơ sau khi có kết quả thẩm tra, xác minh của cơ quan quân đội đối với người hy sinh, bị thương do công an hoặc các cơ quan, đoàn thể khác quản lý thì nên được xem xét, xác nhận, công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh".
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, để giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh cần công khai, minh bạch, rõ ràng. Nếu các địa phương chưa rõ thông tin cần tổ chức xác minh cụ thể từng trường hợp, hạn chế tối đa các trường hợp man khai, làm giả hồ sơ. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, phải tận dụng tối đa mọi thông tin nhằm phục vụ việc xác nhận người có công chính xác. Trong đó, chú ý nội dung người làm chứng và thiết lập hồ sơ thủ tục đề nghị. Việc tổ chức các cuộc họp với người dân nơi có người có công đề nghị phải tổ chức chặt chẽ, nhất thiết phải mời các đồng chí lão thành cách mạng, người hoạt động kháng chiến, người cao tuổi. Cuộc họp cần tổ chức như một buổi sinh hoạt đảng và tổ chức công bố công khai ở địa phương theo quy định, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên...
H.Thu
TIN LIÊN QUAN
TAG: