Thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc
(LĐXH) – Với nhiều chính sách nới lỏng để thu hút lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc là cơ hội để người lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.
Hiện nước ta có gần 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. lao động đi xuất khẩu thông qua các hình thức chủ yếu gồm: Đi theo chương trình EPS - đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay, có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này (hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9)). Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1.500-2.000 USD/tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về BHXH được ký vào tháng 12/2021.
Tiếp đến là lao động kỹ thuật (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc thông qua các Hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc (người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7). Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2.000-2.500 USD/tháng. Hiện có khoảng 3.535 lao động kỹ thuật đang là việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.
Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/tháng và tàu cá gần bờ là 1.400 USD/tháng.
Bên cạnh đó, từ năm 2016, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa gần 1.000 lao động đi, 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc.
Hàn Quốc nới lỏng các chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài
Nếu năm 2019, Việt Nam đưa được 7.215 lao động /tổng số 147.387 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc thì đến năm 2020, do đại dịch Covid-19, Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài đến tháng 4/2021 và chỉ mở cửa trở lại từ tháng 5/2021, do vậy tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc năm 2021 chỉ đạt 1.036 LĐ/tổng số 45.058 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Sang đến năm 2022, các chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Hàn Quốc đã có sự thay đổi, nhằm phục hồi phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Theo đó, năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật (thị thực E-7), trong đó có lao động lĩnh vực đóng tàu (thợ hàn, thợ sơn, thợ điện…) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc. Cụ thể: Người tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành tuyển dụng được miễn yêu cầu về kinh nghiệm làm việc; người tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng trở lên yêu cầu tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong ngành tuyển dụng tính từ thời điểm được cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề liên quan.
Trong 9 tháng năm 2022, nước ta đã có 1.668 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trong tổng số 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài./.
Minh Hưng
TAG: