Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thanh Hóa: Phấn đấu tạo việc làm mới cho 65.000 lao động
10:19 AM 28/02/2017
(LĐXH)- Năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tạo việc làm mới cho 65.000 người lao động, trong đó đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo báo cáo, trong năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 64.000 lao động, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 100% kế hoạch năm 2016; trong đó xuất khẩu lao động được 10.000 người, tăng 0,76% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 100% kế hoạch năm 2016. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp xuống 45% (giảm 2% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng lên 29% (tăng 1.5% so với năm 2015) và dịch vụ lên 26% (tăng 1,4% so với năm 2015); giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống 3,6% (giảm 0,1% so với năm 2015) và tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn còn 6,5% (giảm 0,2% so với năm 2015). Trong năm, tỉnh đã ra Quyết định cho khoảng 17.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 37,96 % so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh khoảng 6.800); cấp giấy phép cho hơn 1.200 lao động và cấp lại cho khoảng 700 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm với 360 lượt đơn vị tham gia tư vấn tuyển lao động và học nghề trực tiếp tại sàn giao dịch; số người được tư vấn việc làm và học nghề là 17.500 lượt người, số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn là 7.100 người (trong đó, tuyển dụng đi làm việc trong nước là 4.000 người, số người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là 2.000 người, số người nộp hồ sơ đăng ký học nghề là 1.100 người).
Một gia đình ở huyện Nga Sơn vay 130 triệu đồng
từ chương trình cho vay giải quyết việc làm thành lập cơ sở làm chiếu
Hiện nay, toàn tỉnh có 91 cơ sơ dạy nghề (giảm 11 cơ sở so với năm 2015), trong đó có 6 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 17 Trung tâm dạy nghề và 52 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề. Trong năm, tỉnh đã cấp phép đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp nghề cho 12 trung tâm và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề. Công tác tư vấn hướng nghiệp được chú trọng triển khai ở nhiều trường học đã bước đầu phát huy tác dụng, trong năm 2016, các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh được 69.400 người, đạt kế hoạch đề ra (tăng 42,21% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, cao đẳng nghề 7.900 người, trung cấp nghề 8.200 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 53.300 người (lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 14.650 người). Qua đó, góp phần  đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 21%.
Theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - TBXH, để đạt được những kết quả nêu trên, Ngành đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ thông tin, kết nối cung - cầu lao động... Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đồng thời thông thoáng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp với số lượng ngành nghề ngày càng đa dạng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập ổn định. Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, tỉnh xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng, nên đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ về thủ tục cho người lao động vay vốn; tiếp nhận và giới thiệu nhiều doanh nghiệp có uy tín về tư vấn, tuyển dụng lao động tại các địa phương...
Người lao động đến Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm Thanh Hóa tìm việc làm
Trong năm 2017, mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa đề ra là giải quyết việc làm cho 65.500 lao động, trong đó 10.000 người tham gia xuất khẩu lao động, tuyển mới và đào tạo nghề cho 73.000 người, góp phần đưa tỷ lệ qua đào tạo đạt 61%. Giải pháp trọng tâm của Sở Lao động - TBXH Thanh Hóa đưa ra để đạt mục tiêu trên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng được quan tâm. Đồng thời, tích cực triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn để họ có cơ hội tìm việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm, qua đó giúp doanh nghiệp và người lao động chủ động hơn trong công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm...

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm