Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Thanh Hóa nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09:02 AM 17/05/2021
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) những năm qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm trang bị kiến thức khoa học, kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, phục vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt từ khi thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy... từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Người lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, cập nhật những kiến thức mới, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đạt năng suất và hiệu quả cao; số lao động sau học nghề làm việc ở các doanh nghiệp nguồn thu nhập được tăng lên đáng kể.
Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng ở xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học nghề may theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT, tôi xin vào làm việc tại Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng ở gần nhà. Còn chồng sau khi học nghề điện dân dụng đã nhận sửa chữa các thiết bị dân dụng tại nhà, vừa cho thu nhập ổn định, vừa có điều kiện chăm lo cho 2 con ăn học.
Với chị Lê Thị Hảo ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, năm 2016 sau khi tham gia lớp học nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, chị được doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng tiếp nhận vào làm việc. Hiện chị là một trong những lao động có tay nghề vững, với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài việc đan bện sản phẩm, chị còn tham gia dạy các lớp nghề thủ công mỹ nghệ do huyện Thiệu Hóa phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng tổ chức.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên huyện Hậu Lộc đã phối hợp với cơ sở may đồng phục học sinh Hoàng Nghĩa ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc để đào tạo học viên học nghề may công nghiệp. Ông Hoàng Hữu Nghĩa, chủ cơ sở may đồng phục học sinh Hoàng Nghĩa, cho biết: Bình quân mỗi năm cơ sở mở 2 khóa đào tạo nghề may cho gần 60 học viên là LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... để họ đi làm tại các công ty may đóng trên địa bàn huyện.
Theo số liệu thống kê của ngành lao động – thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2010-2015, tổng số LĐNT được tuyển sinh đào tạo nghề là 347.437 người. Trong đó cao đẳng 8.394 người, trung cấp 35.528 người, sơ cấp 139.438 người và đào tạo dưới 3 tháng 164.077 người. Giai đoạn 2016-2020, tổng số LĐNT được tuyển sinh đào tạo nghề là 357.297 người. Trong đó cao đẳng 8.053 người, trung cấp 26.976 người, sơ cấp 112.077 người, đào tạo dưới 3 tháng 201.191 người.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Trong số LĐNT của tỉnh được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề theo Đề án 1956, có hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, khuyết tật được tham gia học nghề và có việc làm sau đào tạo. Qua đó giúp LĐNT có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững và bảo đảm công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song trên thực tế, việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Trình độ LĐNT còn thấp, chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN chưa đồng đều. Việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm còn hạn chế.
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận LĐNT chưa tích cực học nghề, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho bản thân, gia đình; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là LĐNT các huyện miền núi. Mặt khác, việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo; bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo GDNN, người dạy nghề còn hạn chế...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, tỉnh ta đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện, như: Tăng cường công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển của ngành, của tỉnh; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN, chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc các ngành nghề phục vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh như ngành công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp năng suất, chất lượng cao; du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng... nhằm gắn kết giữa đào tạo với ứng dụng thực tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề quốc gia, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học; hội đủ điều kiện về hạng chức danh nghề nghiệp theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong hội nhập khu vực và thế giới.
Thực hiện việc rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường đã được phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo nghề nghiệp./.
Theo Báo Thanh Hóa
TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ