Thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Lắk : Đề xuất các phương án để tạo bước đột phá trong phát triển, xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc
(LĐXH)- Ngày 25/4/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu mối giao thông của Tây Nguyên, có các tuyến đường quan trọng đi qua; có Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nằm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Cả giai đoạn 2011-2020, quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên. Quy mô GRDP năm 2020 (giá hiện hành) đạt 84.887 tỷ đồng, đứng thứ nhất trong các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, chiếm 28,1% GRDP vùng và 1,3% GDP cả nước. Tuy nhiên, đến năm 2020, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh xếp vào nhóm trung bình so với các tỉnh trong cả nước.
Một số chỉ tiêu về hiệu suất phát triển có xu thế tụt lại so với các tỉnh và so với trung bình chung của cả nước: GRDP bình quân đầu người đứng thứ 49/63 tỉnh, thành cả nước (năm 2010 xếp thứ 39/63); năng suất lao động đứng thứ 49/63 tỉnh, thành (năm 2010 xếp thứ 37/63). Mật độ kinh tế (GRDP/km2) của Tỉnh thuộc trong nhóm các tỉnh thấp của cả nước, khi đứng thứ 50/63 tỉnh, thành phố (năm 2010 xếp thứ 48/63).
Bên cạnh đó, do vị trí nằm xa các trung tâm phát triển của quốc gia (như hầu hết các tỉnh Tây Nguyên), điều kiện kết nối hạ tầng còn rất hạn chế, làm giảm khả năng liên kết các hoạt động kinh tế, xã hội liên vùng thúc đẩy kinh tế nội vùng.
Môi trường của tỉnh chịu nhiều tác động của các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên quá mức. Hiện tượng xói mòn, rửa trôi diễn ra thường xuyên. Nguồn nước phân bố không đều theo mùa và theo vùng, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cảnh quan tự nhiên các thác nước, hồ cảnh quan, rừng đặc dụng... có nguy cơ bị phá vỡ do các hoạt động khai thác làm thủy điện và nạn chặt phá rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ đầu nguồn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh, một bản quy hoạch tỉnh tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh; đồng thời đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Vì thế, Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và sát sao, đặt kỳ vọng rất lớn và đặt ra yêu cầu dự thảo Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để Tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển, đạt được mục tiêu “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng với vị trí trung tâm Vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025”.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phân tích, đánh giá thực trạng và vị thế phát triển của Tỉnh; quy hoạch đã rút ra 10 vấn đề chính cần giải quyết, đó là: (1) Kết nối hạ tầng liên vùng, quốc tế cần được ưu tiên cải thiện; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; (3) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (4) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiêu chuẩn cao; (5) Thương hiệu và định vị sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Lắk; (6) Thu hút các dự án đầu tư chiến lược, tạo đột phá và thúc đẩy chuyển dịch chất lượng các ngành kinh tế trụ cột của Tỉnh; (7) Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; (8) Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, gia tăng chất lượng phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất; (9) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (10) Giải quyết các nút thắt đối với phát triển công nghiệp.
Bám sát với định hướng phát triển của quốc gia và định hướng phát triển vùng Tây Nguyên tại Nghị quyết số 23/NQ-TW, trên cơ sở các nền tảng đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk, Quy hoạch tỉnh đã xây dựng triết lý và mô hình phát triển, từ đó xây dựng tầm nhìn đến năm 2050 và xác định các quan điểm, đột phá và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030.
Quy hoạch nêu rõ mục tiêu tổng quát, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Viện Chiến lược phát triển là đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk. Liên danh tư vấn gồm Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp.
Về tổ chức không gian phát triển, Đắk Lắk định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, chức năng chia sẻ, kết nối thông suốt, hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh giữa các đô thị.
Theo đó, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Phát triển thị xã Buôn Hồ: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của Tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar: là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của Tỉnh, là đô thị động lực thứ ba sau TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng và của Tỉnh.
Thứ nhất, đột phá về chính sách: Tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền. Xây dựng chính sách đào tạo nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, đột phá về liên kết phát triển: Kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm. Phát triển mạnh thương mại, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối.
Thứ ba, đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất: Tập trung phát triển khoa học và công nghệ; hình thành các cụm dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các địa bàn, hướng dẫn mô hình sản xuất, liên kết đầu mối thu mua, bảo quản chế biến, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế: Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ năm, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tích hợp, đồng bộ, hiện đại, tạo sự liên thông giữa các vùng kinh tế động lực, các hành lang kinh tế và giữa các vùng, miền trong và ngoài Tỉnh; tạo tiền đề thuận lợi để mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng dịch vụ logistic và hạ tầng đô thị hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thiết lập hạ tầng số... ./.
Thảo Lan