Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thái Nguyên thiết thực tri ân người có công với cách mạng
04:18 PM 12/02/2019
(LĐXH)- Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc.
Trải qua các cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của để góp phần dành lại độc lập tự do chung của đất nước. Toàn tỉnh hiện đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 130.000 người có công với cách mạng, chiếm 10,86% dân số. Trong đó, có 1.158 người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; 562 bà mẹ Việt Nam anh hùng (37 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời); 10.821 liệt sỹ, 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 7.189 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.742 bệnh binh; 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; trên 95.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi một lần... Hàng năm, tỉnh có trên 6.000 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ và khoảng 23 ngàn người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng

Nguyễn Thị Nhận (sinh năm 1928) ở thị xã Phổ Yên

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ về mặt vật chất, cũng như tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước để giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật phải kể đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội bằng những việc làm cụ thể, như: xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc giúp đỡ thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp được gần 5 tỷ đồng (cấp tỉnh thu được 440 triệu đồng; cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn vận động được 4,36 tỷ đồng). Trong các dịp Tết Cổ truyền dân tộc và kỷ niệm ngày thương binh – liệt sĩ 27/7, ngoài việc chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến tận tay các đối tượng người có công kịp thời, Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà bằng tiền mặt cho tất cả người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, gần 100% gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cu trú; 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh – liệt sỹ, người có công.
Qua đánh giá, thời gian qua, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng thường xuyên được tỉnh Thái Nguyên quan tâm chú trọng, chế độ trợ cấp hàng tháng được chi trả đầy đủ, kịp thời. Các chế độ khác được thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần còn có các chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Kết quả trong năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ cho 169 trường hợp thân nhân người có công từ trần hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, 221 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; giải quyết, xác lập hồ sơ mới hưởng trợ cấp hàng tháng cho 12 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sỹ 159 trường hợp, 53 trường hợp đổi người thờ cúng liệt sỹ; thực hiện thủ tục di chuyển đi và đến cho 73 trường hợp, cấp lại thẻ thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ 50 trường hợp; đính chính thông tin trên bia mộ liệt sỹ 12 trường hợp, kiểm tra xác minh tình hình thân nhân liệt sỹ 4 trường hợp để giải quyết chế độ mẹ Việt nam anh hùng và Huân chương độc lập; giải quyết chế độ cho 2 trường hợp là vợ liệt sỹ đi lấy chồng khác...
Có thể nói, công tác chăm sóc người có công ở Thái Nguyên đã khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống, đạo lý tốt đẹp và sự chung sức của cả hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người có công, đảm bảo tất cả gia đình người có công được cải thiện nhà ở; tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Huyện Xín Mần: Nỗ lực cải thiện nhà ở cho hộ nghèo
TPHCM: Hơn 120 đại biểu dự tập huấn công tác tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội