Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp
06:04 PM 15/11/2021
(LĐXH)-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số 4.300 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 198.151 lao động, trong đó có 25 doanh nghiệp nhà nước, 4.135 doanh nghiệp dân doanh, 140 doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, tỉnh còn có 562 hợp tác xã.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 29/10/2019 thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 02/8/2018 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2021.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị có liên quan đã chủ động triển khai và tổ chức quán triệt nội dung cơ bản Chỉ thị số 37-CT/TW tới các cán bộ, công chức, người sở dụng lao động, người lao động, trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đảm bảo xây dựng quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ổn định, hài hòa và tiến bộ. Trong giai đoạn 2019 - 2021, riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 19 lớp tuyên truyền phổ biến những điểm mới của Bộ luật Lao động, chính sách bảo hiểm, nội dung về lao động nước ngoài cho 1202 người sử dụng lao động, cán bộ nhân sự của gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 02 lớp tập huấn chính sách cho cán bộ phụ trách lao động, tiền lương, BHXH tại 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; phát hành 50.000 tờ rơi “Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2019” tuyên truyền tới người lao động. Liên đoàn lao động tỉnh (LĐLĐ) cũng đã tổ chức tổ chức 55 lớp, tuyên truyền về chính sách pháp luật cho 4100 người lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật lao động.
Công đoàn Công ty TNHH Mani Phổ Yên tổ chức đối thoại trực tiếp với công nhân tại nơi làm việc
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện củng cố, sắp xếp nhân sự và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quan hệ lao động, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Đội ngũ thanh tra viên thường xuyên học tập, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra. Từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện thanh tra 45 doanh nghiệp về việc thực hiện các quy định về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động, đưa ra 287 kiến nghị, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 85 triệu đồng. Thực hiện 05 cuộc kiểm tra về việc chấp hành các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị thi công xây dựng và chủ đầu tư đang thực hiện thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đưa ra 40 kiến nghị và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 32.000.000 đồng. Đội ngũ thanh tra cũng làm tốt công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề quan hệ lao động, không để tranh chấp xảy ra hoặc tranh chấp kéo dài dẫn đến đình công.
Trong giai đoạn 2019-2021, đội ngũ hòa giải viên trong tỉnh cũng được bổ nhiệm, kiện toàn đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng được theo yêu cầu nhiệm vụ trong việc hòa giải lao động. Năm 2019 đến nay, đã tổ chức 04 vụ hòa giải tranh chấp theo đúng trình tự, thành phần quy định. Cùng với đó, Hội đồng trọng tài lao động tỉnh cũng được thành lập theo quy định. Tuy nhiên đến nay tỉnh chưa có tranh chấp lao động nào thông qua hòa giải của trọng tài lao động. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với công đoàn các cấp trên cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động, hỗ trợ đối thoại, thương lượng tập thể được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, thu hút, khuyến khích về nhà ở, công trình phúc lợi xã hội cũng tỉnh được quan tâm nhằm giúp người lao động yên tâm công tác, doanh nghiệp ổn định về lực lượng lao động. Đến nay, tỉnh đã có 2 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đó là: Dự án nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Yên Bình do Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng 29 khối nhà ký túc xá dành cho công nhân ở với tổng diện tích đất xây dựng 76.446 m2, tổng số phòng ở khoảng gần 4.000 phòng, giải quyết chỗ ở cho 40.165 công nhân. Ngoài ra Công ty Samsung còn đầu tư xây dựng 02 nhà dịch vụ có tổng diện tích sàn là 10.293m2 để phục vụ cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Và Dự án nhà ở công nhân của Công ty cổ phần đầu tư thương mại TNG đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 01 nhà 4 tầng và 16 nhà cấp 4 với tổng số 223 phòng, tổng diện tích sàn 7.590m2, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng trên 500 công nhân. Ngoài ra UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số nhà đầu tư vào đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân.
Hội nghị người lao động năm 2021 tại Công ty cổ phần vận tải Thái Nguyên
Phát huy vai trò của của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh đã tích cực quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện đối thoại, thương lượng, ký và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tính đến tháng 12/2020, đạt 87% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tiến hành thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết TƯLĐTT (có 42 doanh nghiệp ký mới). Kết quả xếp loại TƯLĐTT: 76,12% đơn vị, doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó trên 73% thỏa ước lao động tập thể được phân loại chất lượng loại A. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã tạo điều kiện cho người lao động được trực tiếp tham gia góp ý kiến, được quyết định và kiểm gia, giám sát những nội dung theo quy định.
Tổ chức công đoàn cũng tích cực phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ người lao động tham gia các thiết chế quan hệ lao động, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh trong doanh nghiệp. Cụ thể, việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ở cấp cơ sở đã được các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện tương đối nghiêm túc. Còn ở cấp trên cơ sở thì LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, công đoàn ngành tích cực chủ động trong việc đề xuất phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với người lao động trên địa bàn, giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi địa phương, đơn vị và kiến nghị những nội dung công nhân lao động đề xuất, thắc mắc lên cơ quan cấp trên giải đáp, giải quyết theo quy định. Tại cấp tỉnh, hàng năm LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh với người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và giải quyết nguyện vọng của người lao động trên địa bàn.
Cụ thể, hàng năm, có 100% cơ quan, đơn vị phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; Trên 85% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc các thành phần kinh tế tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại với người lao động; trên 90% đơn vị xây dựng được quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp công đoàn chủ động đối thoại với đoàn viên, người lao động được 1.645 cuộc. Tại cấp tỉnh, LĐLĐ đã tổ chức 03 cuộc đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh với người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng từ đó kịp thời giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của của dịch COVID-19, dãn cách xã hội, nên việc tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ ở các doanh  nghiệp, đơn vị có gián đoạn. Tuy nhiên, kết quả đáng mừng là giai đoạn 2019 – 2021, tình hình tranh chấp lao động và đình công phát sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên,  đã không không xảy ra đình công.
Hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động để công đoàn cơ sở thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động, từ đó tạo nên mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp cũng được LĐLĐ tỉnh quan tâm và thường xuyên có văn bản chỉ đạo tới các cấp công đoàn. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã ký thỏa thuận và triển khai hợp tác với 25 đối tác về nâng cao phúc lợi cho đoàn viên. Thông qua các chương trình hợp tác phúc lợi, đã có trên 60.000 lượt đoàn viên CNLĐ được hưởng với số tiền trên 10 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp công đoàn trong tình đã hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên thông qua hoạt động “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Ngày hội công nhân lao động”, “Lễ cưới tập thể”, nhà ở “Mái ấm công đoàn”...
Không chỉ có vậy, tại Thái Nguyên, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng phát huy được vai trò là một đối tác đối với người lao động trong quan hệ lao động. Hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động như: Liên minh Hợp tác xã, Hiệp Hội các doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội nữ doanh nhân rất hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động đã thay đổi nhận thức của người sử dụng trong việc thực hiện pháp luật lao động.
Có thể nói, qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần và việc giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, lao động được quan tâm thực hiện. Mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ngày càng được củng cố. Nhờ đó đội ngũ công nhân lao động luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp cách mạng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 37-CT/TW. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể. Giải quyết kịp thời vấn đề tranh chấp lao động để tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp./.

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước