Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thái Nguyên chăm lo đời sống người có công với cách mạng
10:01 AM 06/08/2021
(LĐXH)- Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thái Nguyên được biết tới là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi khởi phát ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7). Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con các dân tộc ở Thái Nguyên đã đóng góp nhiều công sức, của cải, thậm chí cả tính mạng cho việc xây dựng và bảo vệ ATK. Hàng nghìn người con ưu tú xung phong lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với trên 130.000 người có công với cách mạng, chiếm 10,86% dân số. Trong đó có 1.158 người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; 562 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 10.821 liệt sĩ, 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 7.189 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.742 bệnh binh; 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; trên 95.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi một lần... Hàng năm, tỉnh có trên 6.000 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ và khoảng 23 ngàn người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và tỉnh Thái Nguyên tặng quà người có công dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ

Nhiều năm qua, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình tri ân, hỗ trợ về mặt vật chất, cũng như tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước để giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội bằng những việc làm cụ thể, như: xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc giúp đỡ thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi... Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công cũng được Thái Nguyên quan tâm thực hiện chu đáo, nhất là vào mỗi dịp lễ, Tết.
Theo báo cáo ngày 5/8/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên về kết quả thực hiện các hoạt động nhân dịp 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ  (27/7/1947 – 27/7/2021), Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp trong tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ năm 2021, với tổng số tiền là 4,026 tỷ đồng; trong đó, cấp tỉnh vận động 304 triệu đồng; Quỹ cấp huyện và cấp xã vận động được 3,722 tỷ đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định và ra quyết định tặng 20.552 suất quà của Chủ tịch nước cho người có công, thân nhân người có công theo quy định, với tổng kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng. Cụ thể, mức quà tặng 600.000đồng/suất cho 785 người, với số tiền là 471 triệu đồng; mức quà 300.000 đồng/suất cho 19.767 đối tượng, với số tiền trên 5,93 tỷ đồng.
Kết quả, nhân dịp 27/7/2021, toàn tỉnh đã thực hiện tặng 56.519 suất quà, với số tiền là 12,313 tỷ đồng, gồm: quà Chủ tịch nước là 20.552 suất; quà của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và xã hội hóa là 35.967 suất.
Đặc biệt, dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ), ngày 24/7, tỉnh Thái Nguyên có 9 đại biểu người có công tiêu biểu vinh dự được tham dự buổi gặp mặt đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ năm 2021 tổ chức tại trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách người có công trên địa bàn

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng theo Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2021. Trong đó đã thực hiện hỗ trợ cho 10 hộ gia đình tại huyện Đại Từ với tổng số tiền là 500 triệu đồng do UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ cho tỉnh Thái Nguyên và nguồn xã hội hóa…
Phải khẳng định rằng, việc tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ vào dịp mỗi dịp lễ, tết mà đây đã và đang trở thành phong trào tri ân thường xuyên, rộng khắp ở các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa ở Thái Nguyên. Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh luôn coi việc vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là một nội dung quan trọng, không thể thiếu để thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình với người có công. Chính vì vậy, việc huy động xây dựng nguồn Quỹ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực từ cán bộ và nhân dân, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường