Thái Bình: Chú trọng thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Thái Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình, năm 2022, toàn tỉnh có 439.427 trẻ (chiếm khoảng 22,6% dân số), trong đó có 5.485 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khác chiếm 3,46% so với tổng số trẻ em toàn tỉnh. Đây là nhóm trẻ em yếu thế, rất nhạy cảm, dễ bị sao nhãng, bỏ mặc, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, dễ xảy ra tai nạn thương tích, bị xâm hại... rất cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục để giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định.
Lãnh đạo HĐND và Sở LĐTB&XH Thái Bình trao quà cho các cháu Trường Mầm Non Họa My, huyện Vũ Thư
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn như: Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 22/3/2022 tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 18/5/2022 triển khai Kế hoạch Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 22/8/2022 về việc tổ chức các hoạt động trung thu năm 2022; Công văn số 254/UBND-KGVX ngày 24/01/2022 về việc tăng cường các giải pháp, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Công văn số 1295/UBND-KGVX về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em.
Đồng thời, Sở tiếp tục triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, các chương trình, dự án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, trợ giúp trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia Vì trẻ em năm 2022, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em.
Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, năm 2022, Sở đã hướng dẫn các địa phương rà soát lập danh sách đăng ký xã, phường phù hợp với trẻ em; rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh; duy trì thực hiện việc thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu về trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; rà soát các trường trường hợp trẻ em còn thiếu thông tin để bổ sung mã định danh thực hiện chuẩn hóa làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06; theo dõi quản lý trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid trên địa bàn.
Đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 05/QC-BCA-LĐTBXH- BTTTT của Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp trong tiếp nhận thông, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. 100% trẻ em bị xâm hại phát hiện và tiếp nhận đã được lập hồ sơ, can thiệp, hỗ trợ theo quy định, được kết nối, cung cấp các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác. Trong năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã trợ giúp pháp lý cho 41 trường hợp, trong đó hoàn thành 31 trường hợp và 10 trường hợp chuyển từ năm 2021. Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật cho các trường hợp là trẻ em, người chưa thành niên; cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trẻ em, người chưa thành niên trong các vụ án hình sự.
Các hoạt động về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cũng được triển khai trên diện rộng, năm 2022, toàn tỉnh đã mở 143 lớp học bơi miễn phí, tặng 250 áo phao bơi, 121 cơ sở đoàn xã cắm biển cảnh báo nơi nguy hiểm, hướng dẫn trẻ em tham gia câu lạc bộ văn nghệ, thể thao....
Tại Thái Bình, năm 2022, có 139 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, số trẻ còn lại được hưởng trợ cấp xã hội và chăm sóc bằng các hình thức khác nhau tại cộng đồng. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được đảm bảo chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế công lập. Trẻ em từ 5 tuổi đã được quan tâm, tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19. Cụ thể, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 153.044 trẻ (48,6%); trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 3 nhắc lại 71.208 trẻ (46,5%); trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin 168.244 trẻ (85,6%); trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin 168.244 trẻ (54,1%).
Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Sở đã phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ 01 trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 và 03 trẻ em mồ côi có cha, mẹ tử vong do nhiễm Covid-19 với tổng kinh phí 16 triệu đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần Tháng hành động vì trẻ em, Tết Thiếu nhi và Tết Trung thu năm 2022, toàn tỉnh đã tặng 5.531 suất quà cho trẻ em với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đã tặng gần 4.000 suất, kinh phí trên 1 tỷ đồng; Tháng hành động Vì trẻ em tặng1.024 suất, kinh phí 624 triệu đồng (ngoài ra còn tặng 13 suất học bổng Vned; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Bảo hiểm AIA trao tặng 40 xe đạp); Tết Trung thu tặng 507 suất, kinh phí trên 980 triệu đồng. Phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư Kết nối yêu thương Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức trao học bổng “Ươm mầm tương lai” và tặng quà cho 115 trẻ em, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con thương binh, con liệt sỹ tại huyện Tiền Hải.
Với nhiều giải pháp và hoạt động được triển khai đồng bộ, đến nay, nhiều mục tiêu về trẻ em của Thái Bình đã đạt được kết quả đáng khích lệ như: Tỷ lệ trẻ em tham gia tiêm chủng mở rộng đạt 99% (trong đó tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 100%); 99,9% trẻ em đi học mẫu giáo đúng độ tuổi; đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em được cải thiện; công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập với cộng đồng được quan tâm triển khai thực hiện tốt, các quyền của trẻ em ngày càng được thực hiện tốt hơn. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 93,5%./.
Mỹ Hạnh
TAG: