An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tết ấm áp của những cụ già không nơi nương tựa
07:33 AM 03/02/2019
(LĐXH)- Ngoài chế độ nhà nước, Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương tổ chức gói bánh chưng, giết lợn, gà tăng được để cải thiện bữa ăn cho đối tượng, làm sao đạt mức trung bình khá so với ngoài xã hội trong dịp Tết.
Những ngày cận Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp tới thăm Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, nơi đang chăm sóc hàng trăm mảnh đời thiếu may mắn, trong đó có 60 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. Bữa cơm tất niên của Trung tâm phục vụ các đối tượng có đầy đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa… khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng. Bởi đa số những người đang được nuôi dưỡng tại đây cứ mỗi dịp Tết đến lại chạnh lòng, bởi chẳng có chốn để trở về đoàn viên như bao người khác.
Các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm
Bà Bầy là một người như thế. Trò chuyện với chúng tôi, bà nói không nhớ mình bao nhiêu tuổi, họ tên, quê quán ở Hải Dương, còn cụ thể xã phường thì không biết. Chỉ biết bố mẹ mất sớm, bà được người thân gửi vào Trung tâm được mấy năm nay. Do bị thiểu năng, nên bà lúc nhớ lúc quên, lúc vui lúc buồn. Nhưng được trò chuyện với khách, bà phấn chấn hẳn. Bà kể vào đây được làm quen với rất nhiều bạn, được các nhân viên chăm sóc chu đáo, coi như người nhà và bà quý nhấn là anh y sĩ Nguyễn Văn Hiến, bởi anh rất tốt với mọi người, hay thăm khám và cho thuốc.
Khi nhắc đến Tết, bà nói trước kia ở với các cháu, nên đón Tết ở nhà. Giờ vào đây rồi, nếu không được về nhà thì cũng rất vui thì có nhiều người già cùng đón Tết ở Trung tâm.
Bà Bầy vui vẻ trò chuyện với khách tới thăm
Còn chị Nguyễn Thị Lành, 27 tuổi, vào Trung tâm được 11 năm. Ngoài những công việc chung, chị tình nguyện giúp chăm sóc các cụ ốm đau nằm liệt giường tại đây. “Em về ăn Tết với anh trai, nhưng ra Tết em sẽ quay lại Trung tâm sớm để chăm sóc một số cụ già ở đây, vì các cụ không được về nhà đón Tết. Nhiều cụ nghe nói đến Tết là buồn lắm vì nhớ nhà, nhớ con cháu. Nhưng vì hoàn cảnh, có cụ lại bệnh tật nên không được về nhà nên rất thương. Chúng em cũng được nấu bánh chưng, làm cỗ Tết, cúng Giao thừa, xem vô tuyến cùng nhau nên cảm thấy rất vui, như đang ở nhà mình vậy” – chị Lành nói.
Ông Bùi Trọng Hải – Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương cho biết: Riêng đối với người cao tuổi, Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 60 người tuổi từ 60 trở lên. Một số cụ gần 100 tuổi, nhưng tuổi trung bình là 74.
“Phát huy truyền thống đạo lý Kính lão, trọng già, những năm qua công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi luôn được Trung tâm quan tâm thực hiện. Chúng tôi đặc biệt chú trọng và tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng. Vấn đề trọng tâm nhất trong công tác chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm hiện nay là chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng và hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người cao tuổi” – ông Bùi Trọng Hải chia sẻ.
Bữa cơm ngày thường của các đối tượng
Để thực hiện tốt công tác này, không thể không nhắc tới những cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Anh Nguyễn Văn Hiến, y sĩ đa khoa cho biết: “Do Trung tâm hiện chưa có bác sĩ đa khoa, nên công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Nhất là người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, xương khớp… Các cụ thường xuyên đau yếu nên gần như tôi có mặt ở Trung tâm 24/24, kể cả ngày lễ, tết. Trong trường hợp có người nhập viện, chúng tôi phải đi theo để chăm sóc, bởi các đối tượng hầu như không có thân nhân”.
“Tết năm nào tôi cũng ở Trung tâm để cùng các anh chị em khác chăm lo cho các đối tượng. Mình may mắn hơn vì có gia đình, được trở về, nhưng đối tượng của chúng tôi thì không. Do đó, vào những thời điểm thiêng liêng nhất, chúng tôi phải tạo không khí vui tươi, ấm cúng, để ai ai cũng có Tết” – anh Hiến tâm sự.
Tết này, ngoài chế độ nhà nước, Trung tâm cũng tổ chức gói bánh chưng, giết lợn, gà tăng được để cải thiện bữa ăn cho đối tượng, làm sao đạt mức trung bình khá so với ngoài xã hội. “Ở bên ngoài có gì, chúng tôi có cái đó. Bởi vì đối tượng vốn đã thiếu may mắn rồi thì Trung tâm sẽ cố gắng hết sức để họ vui vẻ về tinh thần lẫn vật chất” – Giám đốc Trung tâm nói.
Với 60 cụ già đang được chăm sóc tại nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, Tết này có một số cụ được người thân đón về, song đa số ở lại. Thế nên, những gì các cán bộ, nhân viên Trung tâm đã và đang làm cho các cụ nói riêng, các đối tượng đang được chăm sóc tại đây nói chung, khiến những ai tới thăm đều cảm thấy ấm lòng.
Giáp Tết Kỷ Hợi, lãnh đạo tỉnh, MTTQ tỉnh Hải Dương, các đoàn thể cũng như các nhà hảo tâm đã đến tặng quà, động viên các đối tượng, thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong Hội nghị trực tuyến toàn ngành tổng kết nhiệm vụ năm 2018, triển khai công tác năm 2019: “Dịp Tết cổ truyền này, các địa phương, đơn vị cần đầu tư, quan tâm đến các gia đình chính sách, người nghèo, người có công, người thuộc diện bảo trợ để ai cũng có Tết đầm ấm, vui tươi”./.
 Dương Thìn
TAG:
Tin khác
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn