Tập huấn công tác xã hội với trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng
(LĐXH) - Thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng trên địa bàn, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị “Tập huấn công tác xã hội với trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ” tại huyện Tiên Lãng và tại Trung tâm Công tác xã hội, nhằm cung cấp thông tin nhận biết, phát hiện sớm, kỹ năng phòng ngừa và tư vấn, tham vấn khi tương tác với trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ.
Bà Phạm Thị Lan – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc hội nghị
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Trưởng văn phòng tham vấn, trị liệu Tâm lý trẻ em, Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam đã đến chia sẻ với chương trình Hội nghị. Đây là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam, tham gia viết sách và có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trị liệu trẻ tự kỷ. Chương trình tập huấn tại huyện Tiên Lãng và Trung tâm đã thu hút sự gần 200 người tham gia, họ là đội ngũ cán bộ cơ sở bảo trợ xã hội; công chức phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên công tác xã hội các xã, thị trấn; giáo viên mầm non; phu huynh, người chăm sóc trẻ em có nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Được biết, hiện nay, những vấn đề trẻ em rối loạn phát triển nói chung và trẻ rối loạn phổ tự kỷ nói riêng đang là vấn đề xã hội ngày càng quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta chưa dễ dàng để nhận biết, hiểu đầy đủ thông tin về các vấn đề, biểu hiện ở trẻ em rối loạn phát triển, tự kỷ, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em bị xếp vào nhóm trẻ tự kỷ nhưng thực chất chỉ nằm ở một trong các dạng rối loạn phát triển ở trẻ em như: Khuyết tật phát triển trí tuệ (chậm phát triển trí tuệ, trễ về phát triển, chậm phát triển tâm thần, chậm khôn…); Rối loạn giao tiếp; Tăng động giảm chú ý; Rối loạn học tập đặc hiệu (khuyết tật học tập); Rối loạn vận động… Rất nhiều phụ huynh lúng túng chưa biết ở đâu tin cậy để đến đánh giá, chẩn đoán trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý giảng dạy tại Hội nghị
Chính vì vậy, đối với nhóm trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ thì việc phát hiện sớm, can thiệp trị liệu đúng, phù hợp, sẽ khắc phục những hạn chế của trẻ, tăng khả năng phục hồi và hòa nhập, phát huy tốt năng lực, sở trường của trẻ. Cùng với đó, nếu can thiệp không đúng, can thiệp muộn, trẻ có nguy cơ bị thoái triển và sẽ để lại các hậu quả vĩnh viễn. Trong thực tế, việc thực hiện đánh giá rối loạn phát triển, tự kỷ phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn và dựa trên sự quan sát tỉ mỉ các hành vi, phân tích, đánh giá một cách thận trọng các biểu hiện về tâm lý và mức độ phát triển của trẻ. Do đó, việc tìm kiếm những địa chỉ đánh giá tin cậy về sự phát triển của trẻ cũng là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Bà Phạm Thị Minh Thường - Trưởng phòng Can thiệp – Hỗ trợ của Trung tâm chia sẻ tại hội nghị những kiến thức, kỹ năng trong quá trình can thiêp trẻ tại Trung tâm
Chương trình tập huấn đã giúp cho đội ngũ công tác xã hội viên của Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng được cập nhật các kiến thức mới, thực hành thao tác, kỹ thuật chuyên sâu về đánh giá, sàng lọc, can thiệp trị liệu cho trẻ em rối loạn phát triển.
PV
TAG: