Tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu – động lực quan trọng để phát triển và bảo đảm an sinh xã hội
Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của đời sống xã hội trong giai đoạn mới. Một trong những nội dung của Dự luật thu hút sự chú ý, quan tâm của toàn xã hội là việc tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do vậy đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi. Nghiên cứu dưới đây nhằm làm rõ thêm một số khía cạnh xung quanh câu chuyện đang nóng hổi này.
- 1. Tuổi nghỉ hưu và quyền được làm việc, quyền nghỉ ngơi
Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, trong số các quyền thiết yếu của người lao động, thì quyền được làm việc và quyền nghỉ ngơi có vị trí hết sức quan trọng. Hiến pháp và hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam luôn đề cao và bảo hộ các quyền này, với các quy định: Người lao động có các quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử; Nhà nước bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ.
Quyền được làm việc: người lao động (trong bài viết này, những người đang làm việc phù hợp pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và nền kinh tế quốc dân, được gọi chung là người lao động) có quyền được làm việc trên cơ sở điều kiện về sức khỏe, năng lực cống hiến. Quyền này không bị giới hạn về độ tuổi. Do vậy, hiện nay có đông đảo người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, thầy thuốc, giảng viên,... Đó là họ vẫn tiếp tục thực hiện quyền được làm việc sau khi nghỉ hưu.
Quyền nghỉ ngơi hưởng chế độ: Khi người lao động đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia lao động và không có nhu cầu tiếp tục làm việc hoặc không còn khả năng lao động thì có quyền được nghỉ ngơi. Quyền này được thực hiện ngay sau khi người lao động nghỉ hưu và hiện nay ở nước ta, số này ngày càng nhiều thêm.
Việc xác định độ tuổi nghỉ hưu hợp lý với các tầng lớp lao động ở các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội khác nhau là một công việc không hề đơn giản với bất kỳ nhà nước nào. Một mặt, nó hàm chứa tính nhân văn của một chế độ xã hội khi tạo ra cơ chế bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi bước vào giai đoạn cao tuổi. Mặt khác, nó lại là công cụ để bảo đảm sự an toàn cho xã hội, an toàn cho chính thể chế của một nước. Do vậy, tiếp cận về độ tuổi nghỉ hưu để từ đó đề ra được chính sách ưu việt nhất cần dựa trên cách tiếp cận về quyền làm việc và quyền nghỉ ngơi phù hợp, bảo đảm sự hài hòa hợp lý giữa thời gian làm việc, cống hiến với tuổi thọ bình quân, mức đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) khi nghỉ hưu.
Xét trên phương diện bình đẳng giới thì nam giới và phụ nữ phải có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau. Bộ luật Lao động bổ sung, sửa đổi (2012) quy định, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam giới 5 năm và được lý giải là ưu tiên đối với lao động nữ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với lao động nữ, ngăn cản đáng kể cơ hội thăng tiến và khát vọng cống hiến của một số lượng không nhỏ phụ nữ. Lại cũng có ý kiến cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu như vậy là bất bình đẳng đối với nam giới do phụ nữ chỉ phải làm việc ít hơn, thời gian đóng BHXH ít hơn, đã được huởng chế độ hưu trí. Xét trên quan niệm về quyền và ưu đãi, nếu đến 55 tuổi, lao động nữ được nghỉ ngơi và được nhận lương hưu thì đó là "quyền". Nhưng xét về nghĩa vụ, đến 55 tuổi phụ nữ phải về hưu thì đó lại là "bắt buộc".
Trong khi đó, mục đích của chế độ hưu trí trước hết là nhằm bảo đảm cho những người đang làm việc và đóng BHXH, sau khi kết thúc một quá trình làm việc lâu dài, đến độ tuổi nhất định, khi mà sức lực và khả năng lao động suy giảm, được nghỉ ngơi mà vẫn có thu nhập ổn định đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Khi mục đích trên đạt được, nó giúp tạo sự đồng thuận, sự ổn định và an toàn của xã hội. Nhà nước định ra độ tuổi thích hợp cho người lao động nghỉ hưu không phải và không bao giờ nhằm “cưỡng chế” người lao động nghỉ hưu, khi họ còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kỹ năng, khao khát cống hiến, làm việc. Do vậy, đề xuất của Bộ LĐTBXH về việc tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu của cả nam và nữ là xuất phát từ thực tế khách quan. Vấn đề ở đây là, nhà nước cần xác lập một lộ trình thích hợp để hiện thực hóa quy định: lao động nam và nữ sẽ nghỉ hưu vào cùng một độ tuổi và ưu tiên phụ nữ có quyền được lựa chọn độ tuổi nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới.
- 2. Tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu với vấn đề già hóa dân số và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội
Hiện nay, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang tăng rất nhanh. Theo thống kê, năm 2008, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Việt Nam là 9,5%, đến năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%, chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” theo định nghĩa của Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP)[1]. Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ người già sẽ đạt 12,4% dân số, năm 2030 là 15,8% và, năm 2040 là 20,8%.
“Già hoá” dân số có ảnh hưởng rất lớn đến quỹ BHXH do tỷ số giữa số người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu ngày càng giảm đi, dẫn tới nguồn thu của Quỹ BHXH sẽ có xu hướng giảm và nguồn chi có xu hướng tăng lên, tức khả năng chi trả và an toàn của Quỹ sẽ mất cân đối nghiêm trọng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách hoặc sự hỗ trợ của nhà nước. Đây cũng đang là vấn đề nan giải đối với các Quỹ hưu trí ở các nước phát triển, nơi có tỷ lệ người cao tuổi khá cao trong dân số.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, đối với Việt Nam hiện nay, để giảm thiểu ảnh hưởng của “già hoá” dân số đối với hệ thống BHXH, tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là điều chỉnh tăng tuổi làm việc của người lao động trước khi nghỉ hưu. Quan điểm này không chỉ là ý kiến đề xuất từ các cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là kiến nghị của nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế. Trên thực tế, tỉ lệ người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ở nước ta ngày càng giảm. Khi số người hưởng BHXH một lần hằng năm tăng lên, dẫn đến việc Quỹ BHXH phải chi tiền sớm, khiến mục tiêu an sinh xã hội về lâu dài có nguy cơ không đạt. Tuổi được nghỉ hưu ở nước ta hiện thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, bình quân năm 2012 là hơn 55,61 tuổi đối với nam và 52,56 tuổi đối với nữ. Trong khi đó, có không ít người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm tới hơn 50%. Theo tính toán của cơ quan BHXH Việt Nam, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Điều này nếu không được cải thiện sẽ dẫn tới khả năng, đến khoảng trước năm 2040, số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả cho đối tượng[2].
- 3. Tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu và sức khỏe của người lao động
Một số ý kiến lo ngại rằng, với tình hình các chỉ số sức khỏe của người lao động Việt Nam hiện nay đang thấp hơn lao động của nhiều nước trong khu vực ASEAN, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho đa số người lao động, nhất là lao động sản xuất trực tiếp. Điều này là không hoàn toàn chính xác. Bởi ngày nay, khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với vài chục năm trước đây, thì cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe của người Việt Nam cũng đã được cải thiện. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế sẽ giúp cho nhà nước có nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn, nhất là bảo đảm y tế cho người dân. Trên thực tế, nhiều người sau khi nghỉ hưu tiếp tục làm việc lại khỏe hơn so với người nghỉ hưu nhưng không làm việc, do hoạt động giúp con người mạnh khỏe và năng động hơn. Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, hơn 40% người cao tuổi vẫn tham gia lao động; khoảng 50% người từ 60 đến 64 tuổi đang làm việc. Nhiều người chỉ dừng làm việc sau tuổi 74. Số lao động ở độ tuổi sau 55 ngày càng nhiều thêm[3]. Điều này cho thấy, tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu với cả nam và nữ, không ảnh hưởng bất lợi cho một số đông lao động ở cả hai giới này.
Nhận định tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu sẽ tạo hệ lụy khó khăn cho người lao động cũng là không chuẩn xác, bởi điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: công việc, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, điều kiện làm việc. Với những người làm công việc chân tay nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, pháp luật lao động hiện hành đã có quy định rút ngắn thời gian làm việc, nên có thể chắc chắn là, Dự luật Lao động sửa đổi không đặt vấn đề tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu với những đối tượng này.
- 4. Những người cần nghỉ hưu sớm và những người nên tăng tuổi làm việc trước nghỉ hưu
Bất kỳ một nhà nước nào, khi xây dựng chính sách tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu của các tầng lớp lao động đều phải tính tới lợi ích của cả người lao động, của nhà nước và của toàn xã hội. Trên thực tế, đối với những phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi có rất nhiều người có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kinh nghiệm và có thể cống hiến tốt, hiệu quả ở các công việc cụ thể. Cho nên nhà nước cần có chính sách thích hợp tận dụng lực lượng lao động này. Hiện nay, tuy pháp luật chưa áp dụng tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu một cách rộng rãi, nhưng đã có các quy định kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu đối với người làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy có trình độ chuyên môn cao (Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư, Chuyên gia cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên cao cấp). Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của Phó giáo sư là 67 tuổi đối với nam và 62 tuổi đối với nữ, Giáo sư là 70 tuổi đối với nam và 65 tuổi đối với nữ. Đó là những quy định có ý nghĩa rất tích cực, vừa có lợi cho cá nhân nhà khoa học, giảng viên có cơ hội tiếp tục cống hiến, sáng tạo, lại có lợi cho nhà nước và cho xã hội khi tiếp tục khai thác được năng lực trí tuệ của những người này. Theo các quy định hiện hành, nhà khoa học được kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu chỉ làm công tác quản lý cho đến 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Sau ngưỡng tuổi đó, nếu tiếp tục làm việc, những người này chỉ làm chuyên môn. Riêng đối tượng nữ có hàm cấp tương đương thứ trưởng, được làm công tác quản lý, lãnh đạo tới 60 tuổi như nam giới. Mới đây, nhà nước cũng đã có quy định áp dụng trong ngành công an là, người có chức danh khoa học Giáo sư, Phó giáo sư được kéo dài tuổi quản lý trước khi nghỉ hưu.
Còn với đối tượng cần nghỉ hưu sớm, Bộ luật Lao động đã có quy định áp dụng với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, lực lượng vũ trang. Ở đây, vấn đề đặt ra đối với các nhà làm luật là, cần cân nhắc kỹ việc tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu có đồng thời kéo dài thời gian làm công tác quản lý hay chỉ kéo dài thời gian đóng góp về chuyên môn, nghiệp vụ mà không làm quản lý.
- 5. Tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam so với các nước trên thế giới
Theo số liệu nghiên cứu, tuổi nghỉ hưu áp dụng ở một số nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới đang có sự khác biệt khá lớn: Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang áp dụng tuổi nghỉ hưu là 55 cho cả nam và nữ; ở Singapore: 62 tuổi cho cả hai giới; ở Trung Quốc: 60 cho nam giới và 50 tới 60 cho nữ giới; Philippines và Hàn Quốc: 60 tuổi cho cả hai giới. Còn ở CHLB Đức, độ tuổi để nghỉ hưu với cả nam và nữ cùng là 67. Điều đó cho thấy, việc Việt Nam nên áp dụng tuổi nghỉ hưu theo mô hình của nước nào là vấn đề không đơn giản, bởi nó liên quan và phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả tự nhiên và xã hội.
Như đã nêu ở phần trên, hiện nay, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh, trong khi yêu cầu mới đặt ra phải sử dụng tốt nguồn nhân lực bởi nhiều lao động trong một số lĩnh vực, ngành nghề ở độ tuổi cao vẫn còn nhiều năng lực, cho nên cần sớm có chính sách thích hợp để tận dụng lợi thế này. Chúng ta cần tham khảo các mặt tích cực trong chính sách hưu trí của mỗi nước để tính toán, đề ra các phương án phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Từ những khía cạnh nêu trên có thể thấy, việc tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu ở nước ta ở thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của một lực lượng đông đảo người lao động, phù hợp với lợi ích của nhà nước và của toàn xã hội. Nó cũng đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, hợp lý, tính khả thi và tính đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta. Cần phân loại rõ các đối tượng khác nhau sẽ chịu tác động của chính sách để có quy định áp dụng phù hợp, như: người làm việc theo hợp đồng lao động; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người lao động, người làm các ngành nghề và tính chất công việc khác nhau như: độc hại, nguy hiểm, kỹ thuật cao… Đặc biệt, cần chú ý xem xét toàn diện các tác động tới quyền và lợi ích của người lao động; cơ hội có việc làm của giới trẻ; vấn đề sử dụng, khai thác trí tuệ, chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động lớn tuổi; bảo đảm an toàn quỹ BHXH; vấn đề bình đẳng giới, bảo đảm công bằng xã hội và các lợi ích quan trọng khác của quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
- Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền (1948).
- Bộ luật Lao động 1994; (sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007, 2012).
- Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2011), Những vấn đề lý luận và thực tiễn của nhóm quyền dân sự và chính trị, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2011), Cơ chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Đảng CSVN: Chỉ thị số 12- CT/TW của Ban Bí thư trung ương khóa VII về “Vấn đề quyền con người và quan điểm của Đảng ta”, ngày 12/7/1992.
- Trung tâm nghiên cứu quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia HCM: Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, HN,1998
[1] Theo UNDP, một nước bước vào giai đoạn già hóa khi tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số
[2] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/lo-vo-quy-phai-tang-tuoi-nghi-huu-327372.html
[3] Ngân Anh - Già hóa dân số và những cơ hội cho doanh nghiệp, Báo Nhân dân điện tử, ngày 29/12/2015
* Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trường Đại học Lao động –Xã hội (CS II)
** Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội
TAG: