Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới
07:37 AM 13/10/2023
(LĐXH)- Ngày 12/10/2023, hơn 100 đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan Sở ngành đã cùng thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy các nguyên tắc về bình đẳng giới trong hoạt động mua sắm.
Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới”, do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức, Chính phủ Úc hỗ trợ.
Các bên ký cam kết tại sự kiện
Hiện nay, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của hiện tượng này do sức cạnh tranh thấp, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế; “trách nhiệm kép” phải chăm sóc gia đình của nhiều phụ nữ, sự tiếp cận hạn chế với các nguồn lực, thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; chính sách can thiệp cân bằng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp thiếu và yếu, thay đổi diễn ra chậm.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Vì vậy, đó là đôi bên cùng có lợi và do đó là một sự lựa chọn thông minh”.
Phiên thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo đã cung cấp một diễn đàn cởi mở để các doanh nghiệp cập nhật thông tin về những chính sách, chương trình, sáng kiến, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động doanh nghiêp nói chung và hoạt động mua sắm nói riêng.
Gần đây, 24 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Tổng số doanh nghiệp Việt Nam đã ký WEPs là 174.
Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UN Women./.
TAG:
Tin khác
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Yên Bái đảm bảo cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nga: Từ tuổi thơ cơ cực đến doanh nhân thành đạt với tấm lòng nhân hậu
Ghi nhận trong công tác tìm kiếm, qui tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ở Quảng Trị
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy