Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Tăng ni, phật tử TP Hồ Chí Minh chung tay phòng chống đại dịch Covid 19
09:11 AM 30/09/2021
(LĐXH) Với tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật, thời gian qua, tăng ni, Phật tử TP Hồ Chí Minh vừa nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch do Nhà nước và Thành phố quy định, vừa tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch bằng vật chất, nhân lực và tinh thần.
Chấp hành nghiêm quy định 5K và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bên cạnh quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì việc phát huy tốt các nguồn lực của mọi thành phần xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo đóng vai trò quan trọng.
Ở Việt Nam, đại dịch đã làm thay đổi căn bản các hoạt động tôn giáo. Trước đại dịch, các tín đồ thực hiện nhu cầu tôn giáo một cách thường xuyên ở phạm vi gia đình và các cơ sở tôn giáo, được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Tín đồ đến cơ sở tôn giáo còn để giao lưu văn hóa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong đại dịch thì sự tập trung hàng trăm, hàng nghìn người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một hiểm họa khôn lường nếu có tín đồ nhiễm bệnh.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng kêu gọi tăng ni, Phật tử,

các tự viện trên địa bàn TP HCM nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị 16

Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, mà cần sự quyết tâm hành động chung của toàn xã hội. Chỉ khi ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, hưởng ứng lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), ngày 11-7, Giáo hội Phật giáo TP HCM công bố lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP HCM - đề nghị tăng ni, Phật tử toàn TP ủng hộ, nghiêm túc thực hiện quy định 5K và chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tôn giáo tập trung; yêu cầu tăng ni, phật tử tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đó, không tổ chức Đại lễ Vu Lan tập trung đông người, chuyển sang tổ chức theo hình thức sinh hoạt trực tuyến…
Với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm thì phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định; cập nhật thông tin và phổ biến công tác phòng, chống dịch cho các tăng ni, phật tử; nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn và phát huy tinh thần bác ái của các đạo Phật, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Mặc dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của các tăng ni, phật tử, nhưng đa số đều đồng thuận, tự giác chấp hành, đồng hành với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Từ tháng 6-2021, các hoạt động hành chính của Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP HCM tạm dừng và chuyển sang hoạt động trên các nền tảng số, do đó Ban Trị sự vẫn quản lý, kịp thời có những hướng dẫn trong hoạt động phật sự của TP.HCM phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Chínhh quyền Thành phố rất quan tâm đến việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tăng ni, phật tử trên địa bàn và các tăng ni, phật tử luôn đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch.

Thượng tọa Thích Nhật Từ (thứ 4 từ phải sang) tặng vật tư y tế

cho Bệnh viện dã chiến số 3, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh)

Quyên tặng nhu yếu phẩm, vật tư y tế và làm công tác thiện nguyện
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP HCM đã và đang kêu gọi sự phát tâm hỗ trợ của các tăng, ni, phật tử, nhà hảo tâm để thực hiện các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ, chia sẻ phần nào gánh nặng, sự khó khăn, vất vả của người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, qua đó động viên nhân dân kiên trì, tích cực ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Đức, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM, thời gian qua, tăng ni, phật tử Thành phố vừa nghiêm túc tuân thủ các quy định về công tác phòng, chống dịch của Nhà nước và Thành phố, vừa tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo hỗ trợ người lao động nghèo, người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa, những người gặp khó khăn do dịch COVID-19; và tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch bằng tài vật, nhân lực và tinh thần.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ, thấu hiểu sự vất vả của người dân trong mùa dịch COVID-19 cũng như góp phần chia sẻ với lực lượng tuyến đầu, chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật Ngày nay đã triển khai chương trình “San sẻ yêu thương - Tiếp sức người khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19” và “Trao tặng trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19.”
Sau hai tháng vận động, tính đến cuối tháng 8/2021, các tăng, ni, phật tử, nhà hảo tâm đã đóng góp được hơn 710 tấn hàng hóa, lương thực thực phẩm gồm 187,2 tấn gạo, hơn 200 tấn khoai lang, hơn 305 tấn rau, củ, quả, 6,8 tấn nhu yếu phẩm, gần 30.000 suất cơm chay, gần 900 thùng mỳ, hơn 1.700 hộp sữa...

Thượng tọa Thích Đức Thiện trao quà hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Hồ Chí Minh)

Các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu này đã được phân phối, cung cấp đến 842 điểm dân cư, khu phong tỏa, cách ly y tế, trung tâm y tế, bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Hà Tĩnh.
Hai chương trình thiện nguyện nói trên đã trao tặng 60 máy tạo oxy, một máy thở xâm lấn, hai máy sốc tim có tạo nhịp ngoài, ba máy thở HFNC, hai xe cứu thương, 109.000 khẩu trang N95, 3.500 túi thuốc điều trị dành cho F0, 500 bộ đồ bảo hộ cùng nhiều loại vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế nói trên đã được trao tặng đến Sở Y tế, 16 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19, 8 đơn vị hành chính tại thành phố, các Ban trị sự Giáo hội Phật giáo một số địa phương tại Thành phố và các tỉnh khác.
Ngoài ra, thời gian qua, chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật Ngày nay đã trao tặng vật tư y tế, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến lực lượng tình nguyện viên Phật giáo và các tôn giáo khác tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19; phục vụ 20.000 suất cơm cho bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhóm tình nguyện viên Phật giáo tham gia hỗ trợ chăm sóc các ca nhiễm tại Bệnh viện dã chiến tại tỉnh Bình Dương.
Các tăng ni, phật tử các chùa Giác Quang, Phước Viên, Vạn Đức (quận Bình Thạnh); chùa Vạn Liên, Lâm Quang, Long Hoa, Hoa Đàm (Quận 8), chùa Phổ Minh, (quận Tân Bình); chùa Bồ Đề Lan Nhã (Quận 6), Tu viện Khánh An (Quận 12)… đã tổ chức quyên góp tặng quà, nấu cơm từ thiện cho người dân trong cách khu cách ly, khu phong tỏa và người lao động trên địa bàn.
Bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì các tăng ni, phật tử TP Hồ Chí Minh còn đóng góp nguồn nhân lực chất lượng góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ phần nào nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tại TP HCM đã có hơn 700 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Nhiều người trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của con nhà Phật. Đó là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, là nghĩa cử cao đẹp, giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, những việc làm trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu cấp thiết từ các điểm phong tỏa, khu cách ly tập trung cũng như của người dân đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Thành phố mang tên Bác. Song, những việc làm tích cực đó của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, các tăng ni, Phật tử Thành phố đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật; thể hiện trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Yên Bái đảm bảo cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nga: Từ tuổi thơ cơ cực đến doanh nhân thành đạt với tấm lòng nhân hậu
Ghi nhận trong công tác tìm kiếm, qui tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ở Quảng Trị
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy